Nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển

Nguyễn Việt 22/09/2019 00:00

Nguy cơ lớn nhất của Việt Nam là tụt hậu, thách thức lớn nhất của Việt Nam là vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Vậy phải làm thế nào để Việt Nam hóa giải nguy cơ và vượt qua thách thức này, trở thành nước công nghiệp phát triển?Thời gian qua, tăng trưởng thương mại, GDP tích cực của Việt Nam là do đã nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các Hiệp định FTA quy mô lớn, theo đó đã hướng được “dòng chảy” đi qua Việt Nam của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Điển hình như hợp tác sản xuất và xuất khẩu hàng hóa “có địa chỉ” nằm trong các kênh phân phối của Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel…

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”.

Việt Nam mới thu được ‘tiền lẻ” trong chuỗi giá trị toàn cầu

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 vừa diễn ra, chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Thủ tướng, không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu vào các năm 2030-2045, thì Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5%/năm - một mức cao và khó. Nhưng nếu không đạt được mức tăng trưởng này thì Việt Nam cũng khó trở thành nước công nghiệp và có thu nhập cao.

Để đạt mục tiêu, Việt Nam xác định 3 đột phá chiến lược, đó là xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, thêm 2 nội dung đột phá cho giai đoạn tới, đó là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhưng theo ông Dũng, Việt Nam đang phải giải quyết những vấn đề: động lực tăng trưởng, tích hợp được bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vào phát triển kinh tế.

Kinh tế tư nhân phải là xương sống

Theo các chuyên gia, với Việt Nam, kinh tế tư nhân nội địa phải là xương sống của nền kinh tế, Việt Nam hoàn toàn đạt được mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững nếu sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất hướng đến xanh… Việt Nam phải tăng năng suất, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng tăng năng suất phải ở cả 3 cấp độ: quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không thể có một công thức chung, một mô hình áp dụng cho các quốc gia. Mọi kinh nghiệm tốt, bài học đắt giá, mô hình hay và cả những thất bại được nhắc lại… chỉ có tính gợi mở để Việt Nam đưa ra sự lựa chọn và quyết định tốt. Đây là thời điểm quan trọng của Việt Nam. Quyết định đúng, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công, sẽ đạt được mục tiêu và khát vọng.

Ông K.Yogeesvaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia, trưởng nhóm soạn kế hoạch 5 năm 2016- 2020 của Malaysia cho biết, nước này phải mất 27 năm để từ nước thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình và 23 năm để từ nước thu nhập trung bình thành nước có thu nhập cao.

Một trong những bài học mà ông K.Yogeesvaran lưu ý là phải đầu tư xứng đáng vào nguồn lực con người, xem xét cân đối giữa ngành sản xuất và dịch vụ, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các khu vực, đảm bảo bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng…
Đặc biệt, phải giải quyết vấn đề năng suất ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quan trọng nhất; Tìm lĩnh vực cần tập trung đầu tư chứ không dàn trải... “Nếu muốn đi xa hơn trong chuỗi giá trị thì khu vực tư nhân là quan trọng nhất, trong khi khu vực nhà nước phải minh bạch và có hiệu quả.”, ông K.Yogeesvaran chia sẻ.

GS Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, nguyên Viện trưởng Viện chính sách Khoa học và công nghệ Hàn Quốc đưa ra lời khuyên, Việt Nam nên có cách tiếp cận với khoa học công nghệ thực tế hơn, làm thế nào chuyển tải những kiến thức đã có thay vì nghiên cứu phát minh kiến thức mới.

Nguyễn Việt