Giá thịt gà rẻ như rau và những khuyến cáo
Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt...
Những ngày này, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước tiếp tục như “ngồi trên đống lửa”. Cả chục năm qua, chưa bao giờ giá gà (chủ yếu là gà công nghiệp) lại giảm sâu đến thế.
Vì sao giá gà công nghiệp giảm sâu?
Từ cách đây khoảng 2 tháng, các hộ chăn nuôi gia cầm như thể đã “đứng ngồi không yên” vì giá gà giảm sâu. Từ mức giá thành sản xuất là 24.000-25.000 đồng/kg giá gà công nghiệp sau nuôi bán ra chỉ còn 19.000 đồng/kg.
Đây là mức giá giảm sâu nhất trong 10 năm qua. Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm, chủ một trại gà với quy mô 6.000 con ở huyện Quốc Oai, giá gà giảm mạnh từng ngày, thương lái còn lợi dụng xu hướng này để ép giá, khiến người chăn nuôi càng gặp nhiều khó khăn...
Vào thời điểm giữa tháng 10, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông mầu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ - nơi tập trung các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn của cả nước ở mức 25.000 - 25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9 năm 2019 (16.000 - 18.000 đồng/kg) - là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát.
Việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà. Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 và tháng 9 năm 2019.
Các số liệu về nhập khẩu thịt gà cho thấy lượng nhập khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi. Tốc độ nhập khẩu thịt gà từ giai đoạn tháng 6 đến nay có xu hướng giảm do giá nhập khẩu bình quân thịt gà bắt đầu tăng từ tháng 6 năm 2019, cộng thêm nguồn cung sản xuất trong nước tăng liên tục, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ.
Bộ Công thương cho biết, giá thịt gà nhập khẩu trong giai đoạn tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2019 luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ. Giá nhập khẩu bình quân thịt gà tháng 8 là 910 USD/tấn, tương đương 21.500 đồng/kg, tháng 9 là 857 USD/tấn, tương đương 20.000 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), trong khi vào thời điểm giữa tháng 9 năm 2019, giá thịt gà công nghiệp tại Đông Nam Bộ là 16.000 - 18.000 đ/kg.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi do sự chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn hạn chế, nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.
Theo nhận định từ Bộ Công thương, nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua có thể cũng tác động một phần nào nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ. Dự kiến trong thời gian từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.
Và những khuyến cáo…
Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.
Để giải “bài toán” này, các địa phương cần khuyến cáo người dân chăn nuôi theo quy hoạch; đồng thời tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gà sạch theo chuỗi giá trị, vừa cung cấp cho thị trường nội địa vừa tham gia xuất khẩu...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Thành phố sẽ tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Thành phố khuyến khích các hộ chăn nuôi gà công nghiệp nhưng theo hướng gia công cho các công ty nước ngoài để bảo đảm đầu ra thuận lợi và tránh những tác động tiêu cực khi giá xuống thấp.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào khâu sơ chế, giết mổ gia cầm theo hướng hiện đại và thu mua sản phẩm cho người dân.
Xuất khẩu cũng là một hướng mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus - doanh nghiệp đang xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà, các địa phương phải xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nếu như vào những tháng cuối năm nay vẫn còn để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt tại chỗ thì không chỉ làm cho giá tiêu dùng trong nước tăng cao mà còn là cơ hội để sản phẩm thịt nhập khẩu tiếp tục tràn về chiếm lĩnh thị trường nội địa. Vì thế, nếu các cơ quan quản lý và ngành chức năng không kiểm soát tốt khối lượng thịt nhập khẩu có giá rẻ thì ngành chăn nuôi trong nước sẽ có nguy cơ phá sản, thậm chí “chết dần” trên sân nhà.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ, truy xuất đối với nguồn gốc thịt nhập khẩu nhằm giám sát về chất lượng sản phẩm, ngăn chặn loại hàng cận hoặc đã hết hạn sử dụng; chống bán phá giá, kiểm soát tốt không để lây lan nguồn dịch bệnh.
Có như vậy mới tạo lập được sự công bằng cho người chăn nuôi cũng như bảo vệ được ngành chăn nuôi trong nước thoát khỏi sự khủng hoảng.