TS Nguyễn Đình Cung: Kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu nhưng lại ẩn chứa rủi ro
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.
Tăng trưởng nhưng khá bấp bênh
Bình luận con số này TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định tăng trưởng trong thời gian qua chủ yếu là nhờ xuất khẩu nhưng điều này lại ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6% nhưng phụ thuộc rất lớn vào Mỹ (xuất khẩu vào Mỹ tăng 26,6%). Trong khi các thị trường khác tăng thấp hơn hoặc là giảm như EU đạt 34,2 tỷ USD, giảm 1,9%. Trung Quốc đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%. ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%. Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5%. Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%.
Con số này cho thấy chúng ta đang phụ thuộc rất lớn vào Mỹ, và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất. Thế nhưng, chính điều này lại đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định và có rủi ro, bởi Mỹ sẽ siết chặt hơn hàng hóa của Việt Nam vào nước này.
Thêm vào đó, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ đầu tư nhà nước và đầu tư FDI cũng không còn là động lực cho tăng trưởng.
“Giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng đầu năm 2018 chỉ bằng 69,2% kế hoạch và chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, còn đầu tư FDI đang cho thấy đà suy giảm”, ông Cung nói.
Cũng theo ông Cung sự suy giảm đáng ngại của đầu tư FDI thể hiện ở chỗ: số dự án tăng 26% nhưng số vốn đăng ký mới giảm 14,6%. Điều này đồng nghĩa với việc quy mô các dự án FDI đang giảm.
“Việc giảm này khiến ta có quyền nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức FDI đầu tư tại Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư FDI đang phân nhỏ dự án để tránh rủi ro. Và với quy mô dự án nhỏ, giảm dần thì liệu có nghiên cứu và phát triển, liệu có chuyển giao công nghệ được không?”, ông Cung nêu vấn đề.
Chưa dừng lại ở đó, theo ông Cung, vốn đăng ký FDI bổ sung cũng giảm 16,4% so cùng kỳ. “Vốn đăng ký mới giảm, vốn bổ sung giảm, như vậy ta không thấy bằng chứng của các dự đoán Việt Nam sẽ hưởng lợi về đầu tư từ thương chiến Mỹ - Trung”, ông Cung nói.
Một yếu tố tạo tăng trưởng khác trong 10 tháng qua là tiêu dùng nội địa. Nhưng theo ông Cung, tiêu dùng là thứ phụ thuộc vào tăng trưởng, có tăng trưởng thì mới có tiêu dùng.
Do đó, ông Cung cho rằng những yếu tố tạo tăng trưởng của ta rất ngắn hạn, không đồng đều.
"Tháo trần tư duy" để cải cách
Hiện nay, Việt Nam thảo luận chiến lược 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn chỉ loanh quanh tăng trưởng GDP 7%/năm.
“Đây là một sự thỏa hiệp! Bởi nếu nỗ lực chúng ta có thể tăng trưởng được khoảng 8-9% và nhiều hơn thế nữa. Năm 2018, GDP/người - tính theo sức mua tương đương, của Việt Nam là 8.345 USD. Mức này bằng với Hàn Quốc năm 1986 (tức Việt Nam chậm hơn 32 năm), bằng với Malaysia năm 1982 (tức Việt Nam chậm hơn 36 năm), bằng với Trung Quốc năm 2009 (tức Việt Nam chậm hơn 9 năm).
Chúng ta cứ nói tình hình thế giới biến động, khó khăn nhưng các nước tăng trưởng 8 – 9% ở giai đoạn trước cũng vậy cả. Làm gì có tình hình thế giới thuận lợi cho cả một giai đoạn như thế”, ông Cung nói.
Có thể bạn quan tâm
“Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ”
11:24, 30/10/2019
Giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ “kìm hãm” tăng trưởng 5-7 năm tới
10:20, 30/10/2019
Tăng trưởng của Việt Nam chưa tạo được đột phá về năng suất lao động
09:49, 30/10/2019
Ông Cung cho rằng nếu không nỗ lực bứt phá thì ngay cả việc duy trì được mức tăng trưởng 7% cũng không phải dễ.
“Vấn đề của ta nằm ở hiệu quả sử dụng nguồn lực. Trọng tâm cải cách nên dồn vào đó. Nếu nâng cao được hiệu quả thì với tổng nguồn lực hiện nay, chúng ta có thể tăng trưởng như các nước mà tôi đã kể tên ở trên. Và để tăng hiệu quả thì không gì khác ngoài thị trường, thị trường và thị trường”, ông Cung nói.
Đồng thời, ông Cung cho rằng, để cải cách và duy trì tốc độ tăng trưởng, Việt Nam phải "tháo trần tư duy". Có như vậy mới có được những cải cách mạnh mẽ và nhất quán sang kinh tế thị trường.