Thấy gì từ việc Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc?
Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn.
Đó là nhận định của ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản tại toạ đàm "Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc" mới vừa diễn ra.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán xuất khẩu nông sản chính ngạch Việt Nam sang thị trường Trung Quốc
09:00, 26/10/2019
5 "ông lớn" ngành sữa sắp xuất khẩu lô sữa chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc
00:02, 26/09/2019
“Nông nghiệp chính ngạch”
13:30, 08/05/2019
Với dân số hơn 1,42 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của Trung Quốc khoảng 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi, thủy sản và sản phẩm thủy sản, thịt và sữa… Thời gian qua, Trung Quốc triển khai áp dụng chặt chẽ các quy định về ghi nhãn mác truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thương mại tiểu ngạch khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới này sụt giảm đáng kể trong 9 tháng đầu năm nay.
"Trung Quốc siết chặt nhập khẩu là chuyện đương nhiên"
Giữa tháng 10 vừa qua, những lô sữa đầu tiên của Việt Nam, cụ thể là sản phẩm sữa tươi mang thương hiệu TH true MILK đã được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới - theo Nghị định thư vừa được hai nước ký kết tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, hồ sơ của 4 doanh nghiệp sữa Việt Nam khác đang chờ bước cuối cùng là cấp mã số xuất khẩu.
Nhận định về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc nói chung và nhập khẩu sữa tươi của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, ông Lê Thanh Hoà cho hay: Vừa qua, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sữa tươi Việt Nam, thực tế từ năm 2013 Trung Quốc đã mở cửa thị trường, 6 năm qua, Bộ NN – PTNT mà đầu mối là Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đã phối hợp chặt với phía Trung Quốc.
Hiện mới có sữa tươi của TH True milk được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng nước này cũng đang xem xét các doanh nghiệp khác, quá trình có thể mất thêm một thời gian nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, về chăn nuôi, có thể nói rằng có nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ví dụ, chúng ta có thể nhập khẩu 10 triệu con lợn từ các công ty nước ngoài rất là tốt nhưng lại không thể xuất khẩu sang Trung Quốc được bởi vì Trung Quốc có thói quen trong nhập khẩu rất khó khăn.
"Tôi nghĩ rằng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể phát triển được nhưng không đơn giản. Nguyên nhân của những khó khăn này là do những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm từ phía Trung Quốc", ông Vang cho hay.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ thì đánh giá, năm 2017, Trung Quốc đưa ra 7 mục tiêu, trong đó ông Thuỷ chọn ra 3 mục tiêu liên quan đến xuất khẩu chính ngạch. Trong 3 mục tiêu đó thì Trung Quốc đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế thật có nghĩa là lấy nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp là phương hướng chủ công. "Hiện Trung Quốc có 50% số hộ chuẩn bị khá giả nên xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc thay đổi rất mạnh. Vì vậy, việc siết chặt nhập khẩu là chuyện đương nhiên và nó cũng phù hợp với thông lệ của quốc tế, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các thị trường khác. Đối với Việt Nam, điều này cũng không quá bất ngờ và đột ngột", ông Thuỷ nhận định.
Cơ hội và thách thức
Việc Trung Quốc siết chặt hàng nhập khẩu tác động đến Việt Nam theo cách nhìn của chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ là có nhiều mặt: Thứ nhất, về mặt tư tưởng nhận thức, hiện nay đang chia thành hai luồng. Luồng thứ nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chủ trang trại, người sản xuất, kinh doanh giỏi… xem đây vừa là cơ hội và thách thức. Nếu như chuỗi liên kết giá trị của tốt hơn thì cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh cũng sẽ tăng lên. Một số đơn vị cho đây là tin vui, vì Trung Quốc hiện nay đã cấp cho Việt Nam 1309 mã vùng về cây trồng ở 32 tỉnh, 1435 mã số đối với các cơ sở đóng gói trên các loại rau, quả mà Trung Quốc đã chấp nhận, như vậy sự giao dịch, sự tin cậy lẫn nhau, Trung Quốc thật sự đã nhìn thấy. Đó sẽ là cơ hội để các đơn vị đẩy hàng vào.
Nhưng một đối trọng thứ hai hiểu trong nội bộ là còn một số nông sản chủ lực không có cơ hội xuất khẩu thì thường thờ ơ và chờ đợi, đứng nhìn xem ra sao, khi tốt mới thực hiện. Chắc chắn một bộ phận nhỏ sẽ đứng ngoài lề sự phát triển của chuỗi giá trị ấy, có nghĩa dễ thì làm và khó thì bỏ.
Tác động thứ hai là về tổ chức và liên kết sản xuất, đối với những nông hộ sản xuất nhỏ không có mặt hàng xuất khẩu thì gần như đã đứng ngoài lề sự phát triển. Dẫn đến tổ chức liên kết cũng chưa được trọn vẹn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch nhìn ra vấn đề nhưng không vượt qua được khó khăn về nhân lực, cơ chế. Có những cái còn níu kéo nên doanh nghiệp nhỏ và vừa người ta không muốn đầu tư, lại còn rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và sự manh mún của kinh tế hộ.
Về phía tỉnh An Giang, bà Mai Thị Ánh Tuyết - đại biểu Quốc hội An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chia sẻ: Trước đây, chúng ta cứ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính nhưng qua vấn đề Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc thì đây là cảnh báo, không chỉ thị trường Trung Quốc mà các thị trường khác đều đặt ra đối với hàng hóa của chúng ta.
Hiện nay, Trung Quốc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tác động ngay liền, thấy liền đến xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút từ 2018 đến nay. Nếu không nhanh chân chuyển biến thì sẽ còn tiếp tục xu hướng sụt giảm.
Vấn đề đặt ra là phải đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc nhưng không dễ. An Giang hiện nay xuất khẩu chính là lúa gạo và thủy sản là cá tra, chỉ có 2 doanh nghiệp được Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy nhưng chỉ 1 doanh nghiệp có giấy báo đạt. Chúng ta thấy đạt được tiêu chuẩn doanh nghiệp của Trung Quốc rất khắt khe.
Tháo nút thắt trong xuất khẩu chính ngạch
Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết thì Bộ NN – PTNT phải thông tin cho nông dân về tiêu chuẩn, kỹ thuật từng loại để đáp ứng được thị trường." Vai trò của nhà nước rất quan trọng, là bệ đỡ tác động nâng cao nhận thức cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sẽ là quyết định.
Tuy nhiên, đến nay sự gắn kết đó chưa có chính sách nên vẫn bị bỏ ngỏ, sự gắn kết mới chỉ thành công ở quy mô nhỏ còn quy mô lớn chưa có. "Chúng ta chưa tạo được vai trò của doanh nghiệp gắn với nông dân cho nên họ thấy ở đâu tốt hơn, rẻ hơn thì mua. Và ở đây, vai trò của nhà nước là rất lớn để giúp liên kết", bà Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại thị trường mà chúng ta định hướng tới, để sau đó có những thay đổi và những thay đổi này tôi phải nói một cách rất thẳng thắn là rất đau, nó sẽ đào thải một loạt nông dân, khi mà họ thờ ơ với sản xuất, khi họ không có ý chí vươn lên thì thị trường sẽ đào thải. Và tương lai sẽ có một bộ phận nông dân phải chấp nhận là người đi làm thuê cho các cơ sở công nghiệp và đây chính là quá trình diễn ra ở nước ta ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Ông Hoàng Trọng Thủy thì hoàn toàn đồng ý việc "phải xây dựng doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có chuyến tàu dẫn dắt (là những doanh nghiệp đầu đàn) thì đó chỉ là những chuyến xe cút kít để chở hàng nông sản của chúng ta ra thế giới. Và khi đó sẽ bị những chuyến tàu lớn hất văng ra bên ngoài".
Còn Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa thì nhận định, mở cửa thị trường là khâu mấu chốt mà cơ quan nhà nước phải đi đầu để giải quyết. Nếu chúng ta không mở cửa thị trường thì chắc chắn không thể xuất khẩu được.