Khai trương hệ thống “bệnh viện cây ăn quả” tại ĐBSCL

Huỳnh Khởi 15/11/2019 00:00

“Bệnh viện cây ăn quả” do Tập đoàn Lộc Trời và Viện cây ăn quả miền Nam (SOFRI) phối hợp xây dựng đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 15/11.

Hệ thống bệnh viện cây ăn quả gồm 1 Bệnh viện trung tâm đặt tại  SOFRI, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và 11 Bệnh viện khu vực để trực tiếp hỗ trợ người làm vườn ở khu vực miền Trung và miền Nam và hướng đến phục vụ cho nhà vườn trong cả nước. Trước mắt, Bệnh viện trung tâm sẽ đi vào hoạt động vào hôm nay 15/11.

Ra mắt ban điều hành và các bác sỹ phụ trách

Ra mắt ban điều hành và "bác sỹ" phụ trách hệ thống bệnh viện cây ăn quả (ảnh TC).

Tại sự kiện, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời và SOFRI cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống 11 Bệnh viện cây ăn quả đến năm 2021.

Theo đó, Hệ thống Bệnh viện cây ăn quả sẽ có 57 bác sĩ cây trồng, bao gồm các chuyên gia của SOFRI và lực lượng kỹ sư nông nghiệp “3 Cùng” của Tập đoàn Lộc Trời (đã được SOFRI đào tạo) giữ nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chuyển giao kiến thức canh tác, dinh dưỡng cũng như tư vấn các vấn đề sâu, bệnh hại trên cây ăn quả.

Các Bệnh viện cây trồng sẽ thực hiện “chữa bệnh” cho cây trồng thông qua 2 phương thức đó là: tư vấn cho người làm vườn trong cả nước qua ứng dụng di động được thiết kế riêng (App), thứ hai là tư vấn trực tiếp.

 Khi nhà vườn gặp các vấn đề về cây trồng, các bác sĩ của bệnh viện sẽ thực hiện tư vấn, giải đáp thắc mắc từ xa, cần thiết có thể yêu cầu gởi mẫu, hoặc trực tiếp đến lấy mẫu để xét nghiệm lâm sàng và đề ra phác đồ điều trị tối ưu và sẽ hướng dẫn chi tiết cho nhà vườn thực hiện khắc phục. Thông qua bệnh viện cây ăn quả, những kiến thức về canh tác, dinh dưỡng cũng như các vấn đề về sâu, bệnh hại phát sinh trên cây ăn quả sẽ được các bác sĩ của bệnh viện tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho bà con nông dân.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng SOFRI, đồng thời là Giám đốc Hệ thống Bệnh viện cây ăn quả cho biết, trước mắt các bệnh viện cây ăn quả sẽ tập trung trên một số chủng loại nhất định tại ĐBSCL.  Định hướng định hướng dài hạn sẽ mở rộng ra các đối tượng khác và trên nhiều vùng sản xuất khác nhau của các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên và trong cả nước.

Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: ĐBSCL không chỉ có lúa gạo mà còn là vùng trọng điểm trồng cây ăn quả. Trước đây, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng lực lượng kỹ sư 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con nông dân. Sau thời gian thực hiện nhận thấy chương trình này đã giúp ích được cho bà con rất nhiều trong sản xuất, đây chính là động lực để Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục tham gia vào dự án Hệ thống Bệnh viện cây ăn quả.

ĐBSCL có nhiều loại trái cây nổi tiếng cả nước và xuất khẩu sang các nước.

ĐBSCL có nhiều loại trái cây nổi tiếng trong, ngoài nước.

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Nam Bộ là vùng trồng cây ăn trái trọng điểm của cả nước với diện tích trên 400.000 ha, sản lượng gần 5 triệu tấn. Trong đó, vùng  ĐBSCL có hơn 300.000 ha cây ăn trái, chiếm 40% cả nước với sản lượng hàng năm đạt hơn 4 triệu tấn và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Huỳnh Khởi