Đích đến của tái cơ cấu nguồn nhân lực

THY HẰNG thực hiện 29/03/2020 19:03

Giảm tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản xuống dưới 33% tổng số lao động của cả nước vào năm 2025 là áp lực cần thiết trong tái cơ cấu nguồn nhân lực.

Đây là chia sẻ của PGS.TS. Vũ Quang Thọ -  Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo PGS Thọ, Nghị quyết số 30/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành đặt ra nhiều nhiệm vụ với các Bộ, ngành liên quan nhằm sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai trong quý II năm 2020.

- Tuy nhiên, mục tiêu dưới 33% tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản trong 5 năm tới có khả thi, thưa ông?

Trước tiên phải khẳng định mục tiêu của Nghị quyết 30 nhằm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế là yêu cầu cấp bách của Việt Nam hiện nay. Bởi chỉ giảm tỷ lệ lao động nông, lâm, thuỷ sản, thúc đẩy chuyển dịch lao động sang công nghiệp, dịch vụ chúng ta mới có thể phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hoá. Tuy nhiên, tôi hơi “nghi ngờ” về khả năng về đích của mục tiêu này trong 5 năm tới.

Lý do, thứ nhất, tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản hiện vẫn chiếm cao. Thống kê hiện nay, tỷ trọng lao động trong khu vực này hiện còn tới 38%, dù có giảm nhưng mức giảm chậm.
Thứ hai, bởi xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam là một quốc gia làm nông nghiệp, số lượng nông dân lớn. Dù nhiều nơi đã rời bỏ ruộng đất, nhưng tâm lí đất đai sản xuất vẫn được xem là tài sản tư hữu gắn bó và chưa có gì thay thế được.

Thứ ba, trải qua 30 năm mở cửa thị trường, thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, tuy nhiên nền kinh tế vẫn chưa tạo dựng được những trụ cột công nghiệp mạnh. Chủ trương dồn sức cho công nghiệp, cho tăng năng suất lao động công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Nông dân quan niệm rằng họ vẫn được xem là giai cấp hữu sản, dù tài sản đất đai không nhiều, thay vì vô sản như giai cấp công nhân.

- Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm do đâu, thưa ông?

Chúng ta không có động lực để dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ vì chưa phát triển được sản xuất năng suất cao. Cụ thể, đầu tư cho nông nghiệp tiếp tục thấp trong cơ cấu đầu tư của Nhà nước. Các doanh nghiệp ít đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để có thể tăng nhanh năng suất, chuyển dịch, rút lao động ra. Hiện tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít, ngay như TP.HCM, Hà Nội cao nhất cũng chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển chưa đủ mạnh để thu hút lực lượng lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang. Quan trọng là việc tự chuyển việc làm, phát triển các dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn còn chậm. Nhìn vào sẽ thấy, du lịch của chúng ta mới chỉ có vài ngành mang tính “ăn xổi, ở thì”, không phải ngành dịch vụ có tính nền tảng và bền vững.

Công nghiệp cũng vậy, những ngành được xem là phát triển tại Việt Nam như dầu khí, bưu chính viễn thông vẫn chiếm tỷ lệ thấp nếu so sánh với các nước, hàm lượng công nghệ trong những ngành công nghiệp thấp khiến năng suất không cao, tốc độ tăng năng suất quá chậm chạp do đó khó thu hút lao động chuyển dịch vào ngành.

- Vậy để chuyển dịch cơ cấu lao động ngành, trước hết phải chuyển đổi được trong chính nội ngành, thưa ông?

Hoàn toàn đúng, phải chuyển dịch được nội ngành thì mới thu hút được lao động từ ngành khác. Theo đó, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp, dịch vụ. Công nghiệp, dịch vụ phải có năng suất lao động cao hơn mới hấp dẫn lao động, tạo chuyển dịch từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất lao động cao.

Cụ thể với công nghiệp có thể đi theo lộ trình, trước hết tìm giải pháp nâng cao năng suất trong công chế biến biến, ví dụ như công nghiệp chế biến thuỷ sản, nông sản, tạo tích luỹ cho nâng cao năng suất những ngành công nghiệp chế tạo. Từ công nghiệp chế tạo sẽ mở màn cho công nghiệp đi lên.

Cùng với đó, phải tính đến cơ cấu lại trong chính ngành nông nghiệp. Ở những nơi trồng lúa không còn là lợi thế, phải chuyển từ cây lúa sang các cây trồng hoặc lĩnh vực khác như chăn nuôi với năng suất lao động tốt hơn, tạo ra giá trị cao hơn.

- Ông có kiến nghị giải pháp nào để nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động?

Phải khẳng định, trình độ đào tạo, trình độ lao động càng cao thì dịch chuyển lao động càng nhiều. Tuy nhiên thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo vẫn chủ yếu khẩu hiệu, hô hào, chưa đủ cơ chế để thay đổi phương pháp đào tạo đã có cách đây cả 30 năm.

Do đó, đầu tiên phải thay đổi tư duy về đào tạo, phải đưa kiến thức thực tế vào chương trình đào tạo, theo đó, tập trung đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp. Lập kế hoạch đào tạo dựa vào chính những yêu cầu của doanh nghiệp, lấy một bộ phận giáo viên của trường, liên kết đội ngũ đào tạo từ các doanh nghiệp, gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để tạo nhân lực chất lượng, có tay nghề thực tế.

Việc liên kết đào tạo cần đảm bảo đi kèm cam kết cung cấp nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp. Cùng với đó là những cơ chế, chính sách ưu đãi, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực.

- Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tác động tăng cao năng suất nội ngành. Hiện nay, nước ta vẫn còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng năng suất lao động.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Bộ LĐ-TB&XH):

Các lao động ngành Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt thiếu những kỹ năng tuân thủ tính bền vững trong canh tác. Nguyên nhân bởi phần đa lao động chịu tác động của tác phong nông nghiệp tiểu nông, sản xuất nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, lao động ngành Nông nghiệp còn thiếu khá nhiều kỹ năng mềm như quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, tính tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch. Điều này dẫn tới giá trị của nông sản thấp, chất lượng chưa cao, nên khó khăn trong việc tiêu thụ, càng khó mở rộng thị trường ra nước ngoài.

THY HẰNG thực hiện