Tăng trưởng quý I/2020 thấp nhất trong 11 năm qua
Dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước tại Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 của WB.
Chủ trì họp Chính phủ trực tuyến phiên thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”.
Thủ tướng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3, nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đặt mức tăng trưởng cao nhất.
Cụ thể, quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.
“Với điều kiện hội nhập như Việt Nam, chúng ta đã cố gắng giữ vững nhịp độ cần thiết. Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt lo cho người dân, nhất là người, những người thất nghiệp”, Thủ tướng cho biết.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy vậy, sự sụt giảm, tạm ngừng sản xuất của nhiều tập đoàn, tổng công ty đã làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nước ta. Nhiều tập đoàn, đơn vị có doanh số chỉ bằng 5 % so với cùng kỳ. Do đó, Việt Nam mới đạt tăng tưởng 3,82% trong quý I.
Báo cáo từ Bộ KH&ĐT, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%).
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam chính thức công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc
12:30, 01/04/2020
Thủ tướng chỉ thị: Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ 1/4 trên phạm vi toàn quốc
12:21, 31/03/2020
Lệnh cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4 cụ thể như thế nào?
13:42, 31/03/2020
Tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý II/2020
11:00, 31/03/2020
Tăng trưởng quý I đạt 3.82%: Doanh nghiệp chủ động vượt khó!
11:00, 31/03/2020
Tín hiệu tích cực giúp GDP tăng trưởng trong năm 2020
03:23, 30/03/2020
Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019; CPI bình quân quý 1/2020 tăng 5,56% so với bình quân quý 1/2019.
Điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang giảm mạnh. Tình hình đăng ký mới doanh nghiệp có phần chững lại, mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Xuất hiện xu hướng doanh nghiệp tạm rút khỏi thị trường, tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng" hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng "ngủ đông". Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng.
Với tình hình sụt giảm tăng trưởng ở nhiều địa phương như TPHCM chỉ tăng trưởng 1%, Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn trong cả nước mà hai đầu tàu là TPHCM và Hà Nội phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để đáp ứng tình hình phát triển, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Thủ tướng nêu rõ.
Mặc dù nhận định dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới các mặt kinh tế, xã hội, tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn thống nhất chưa xem xét, đề xuất việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% được xây dựng khi chưa có dịch COVID-19 nay vẫn được giữ nguyên.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% số kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện.
Đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công.
Bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Đồng thời đề xuất cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài; triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, sớm thực hiện việc gia hạn, giảm thuế, phí liên quan cho doanh nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm trong nước, xúc tiến và mở rộng các thị trường xuất khẩu.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế để xem xét, đề xuất gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm kích thích tăng trưởng vào thời điểm phù hợp.
15 ngày quyết định để ngăn chặn dịch COVID-19 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã nêu. Các cấp, các ngành phải tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp có thể có để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống của các cơ quan có chức năng. “Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân. Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng mong "từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch". |