Kích cầu tiêu dùng nội địa gỡ khó cho doanh nghiệp
Thúc đẩy mở cửa thị trường nội địa sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và là gói kích thích kinh tế lớn nhất, hiệu quả nhất lúc này...
Lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức phát động Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 – Vietnam Grand Sale 2020 tại Hà Nội từ ngày 01 - 31/7/2020 trên phạm vi toàn quốc được người tiêu dùng, doanh nghiệp đánh giá cao trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực khôi phục lại nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau dịch bệnh COVID-19, hoạt động giao thương trên thế giới trầm lắng, thị trường trong nước với 97 triệu người tiêu dùng Việt Nam là dư địa lớn. Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường trong nước, nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới.
Những tháng đầu năm 2020, sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2011-2020. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, GDP cả nước tăng 1,81%. Trong khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 2.358.280 tỷ đồng, giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết bị gia đình vẫn duy trì được mức tăng (tương ứng 7,04 và 5,01%) trong khi các nhóm may mặc, văn hóa phẩm, phương tiện đi lại giảm so với cùng kỳ năm 2019 (mức giảm 1,2-6,0%).
Thông qua Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020, các doanh nghiệp (thương nhân) căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, hoạt động khuyến mại (trong khuôn khổ thời gian của Tháng khuyến mại) để khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh nhằm quảng cáo sản phẩm mới, sản phẩm hiện có của doanh nghiệp, thúc đẩy bán hàng hóa, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đẩy mạnh và phát triển, đưa thương hiệu và các mặt hàng của doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng.
Đồng thời các cơ quan nhà nước cấp Trung ương, cấp tỉnh/thành phố, các hiệp hội ngành hàng tùy theo tình hình thực tiễn chủ động xây dựng, triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội… lồng ghép, kết hợp với các hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp để tạo ra sức hút lan tỏa, kích thích cung - cầu, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất, du lịch… hướng tới nâng cao sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.
Là đơn vị sát sao với thị trường nội địa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước ở giai đoạn khó khăn hiện nay.
Do vậy, Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 được tổ chức thông qua một số hoạt động được lồng ghép vào các đề án, chương trình quốc gia đã được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước như: Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020… “Chương trình sẽ đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phục để khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, phấn đấu đạt mục tiêu Quốc hội giao”, ông Đông khẳng định.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội chia sẻ, đứng trước các khó khăn của doanh nghiệp do dịch COVID-19 gây ra, Hà Nội cũng đã xác định thị trường nội địa sẽ trở thành “đầu ra” cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Thúc đẩy mở cửa thị trường nội địa sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và là gói kích thích kinh tế lớn nhất, hiệu quả nhất. Do đó, Chương trình khuyến mại tập trung của Hà Nội được tổ chức vào tháng 6,7 và tháng 11 với chủ đề “60 ngày vàng – rộn ràng mua sắm” trên toàn địa bàn Thành phố với mức khuyến mại lên tới 100%, được kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu mua sắm của người dân sau dịch…
Được biết, đến nay, Sở đã tiếp nhận trên 800 doanh nghiệp với gần 2000 chương trình khuyến mại, tổng giá trị khuyến mại ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng, với hạn mức giảm giá lên tới 70%. Các lĩnh vực khuyến mại đa dạng, như điện máy chiếm 30%, ngành hàng tiêu dùng chiếm 20%, thực phẩm 30%...
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội triển khai tháng khuyến mại tiêu dùng 4.0?
02:56, 02/11/2019
Hà Nội đẩy mạnh Tháng khuyến mại không tiền mặt
14:05, 30/07/2019
Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 “Cú hích” kích cầu mua sắm
15:19, 20/11/2018
Tháng khuyến mại Hà Nội 2018: Kích cầu mua sắm
00:00, 20/11/2018
Hải Phòng: Sôi động Tháng khuyến mại 2018
20:16, 18/11/2018