Thị trường hàng hóa thế giới có sự phân hoá mạnh trong quý 3
Thị trường hàng hóa thế giới quý 3/2020 có sự phân hóa mạnh giữa giá cả các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng lương thực.
Thông tin trong báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý 3 của VEPR cho biết, giá dầu thô trong quý có xu hướng tăng nhẹ, kết thúc ở mức 42,4 USD/thùng vào cuối tháng 9, so với mức 38,3 USD/thùng vào tháng 6. Việc nguồn cung quá dư thừa trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm, cùng với việc thiếu hạ tầng lưu trữ khiến giá dầu vẫn có nguy cơ giảm.
Đợt bùng phát thứ hai của COVID-19 bắt đầu diễn ra từ cuối quý 2 đồng nghĩa với việc tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, gây thêm áp lực giảm cho giá dầu.
Trong các mặt hàng năng lượng khác, giá than đá Úc tiếp tục suy giảm xuống còn 50,3 USD/tấn vào tháng 9, giảm nhẹ so với mức 52,21 USD/tấn của tháng 6. Việc Trung Quốc đẩy mạnh tiêu thụ than nội địa và giảm nhập khẩu than đá từ Úc, cùng với việc các loại nhiên liệu thay thế ngày càng có giá cạnh tranh vốn đã là các yếu tố khiến giá than đá Úc có xu hướng giảm từ năm ngoái.
Bước sang năm 2020, COVID-19 bùng phát dẫn đến nền sản xuất của Trung Quốc và các quốc gia khác co hẹp lại càng khiến nhu cầu đối với than đá giảm mạnh hơn. "Dự báo trong năm 2020 và 2021, giá nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ khó có xu hướng tăng mạnh" - nhóm phân tích dự báo.
Trong nhóm các mặt hàng lương thực, giá gạo có xu hướng ổn định trở lại trong quý 3, sau khi tăng mạnh vào quý 2. Kết thúc tháng 9, giá gạo Thái Lan đạt mức 505 USD/tấn, trong khi đó giá gạo Việt kết thúc quý 3 ở 448 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với cùng kì năm trước (427 USD/tấn và 350 USD/tấn).
Đại dịch khiến nhu cầu gạo trên thế giới tăng mạnh trong khi nguồn cung lại không tăng nhiều, khiến giá gạo Thái tăng xấp xỉ 18% và gạo Việt tăng xấp xỉ 30% so với tháng 09/2019. Dự báo giá gạo sẽ tiếp tục ổn định quanh mức hiện tại ít nhất là cho đến mùa thu hoạch mới vào tháng 10. Trên thị trường tài sản, giá vàng thế giới trong quý có xu hướng biến động mạnh, tăng mạnh vào tháng bảy, đạt đỉnh 2.067 USD/oz vào đầu tháng tám sau đó quay đầu giảm, kết thúc quý ở 1.886 USD/oz.
Căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh khiến triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh, các đồng tiền lớn suy yếu, tất cả đẩy nhu cầu mua vàng của nhà đầu tư tăng cao đã khiến giá vàng chạm mức cao nhất trong vòng ba năm.
Có thể bạn quan tâm
Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến kinh tế thế giới mất 10 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025
11:30, 21/09/2020
Những xu hướng công nghệ mới chi phối kinh tế thế giới
11:23, 17/08/2020
Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong cuộc đua trở thành người dẫn dắt kinh tế thế giới?
10:59, 18/07/2020
IMF: Kinh tế thế giới đang ngày càng tồi tệ hơn
04:45, 25/06/2020
Triển vọng kinh tế thế giới 2020
11:15, 23/06/2020