Gần 1.000 bãi chôn lấp và vấn đề lãng phí “tài nguyên rác”
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, thực trạng chôn lấp rất ô nhiễm, lãng phí tài nguyên vì rác chưa được coi là tài nguyên, chưa tái chế.
Trả lời chất vấn về chất thải rắn sinh hoạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, hiện trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 35.000 tấn chất thải rắn đô thị, khoảng 28.400 tấn chất thải rắn nông thôn.
Về xử lý, toàn quốc có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân compost, còn lại chủ yếu là gần 1.000 bãi chôn lấp.
Hiện mức thu gom rác được thực hiện ở đô thị là 92% và nông 66%, tăng lần lượt 6% và 15% so với trước. Nhưng thực trạng chôn lấp rất ô nhiễm, lãng phí tài nguyên vì rác chưa được coi là tài nguyên, chưa tái chế.
Trên thực tế, có một nghịch lý tồn tại, có nơi rác thải chất cao như núi, ô nhiễm, người dân chặn đường... trong khi các nhà máy “điện rác” thì ì ạch, chậm tiến độ. Trong khi đó, một số ngành “thèm” rác như xi măng lại phải bỏ tiền đi mua.
Do đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phải coi rác là tài nguyên, có cơ chế khuyến khích thì người dân sẽ phân loại rác và tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác. Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào liên minh tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa.
Cùng với đó là các chính sách kinh tế về rác, xác định trách nhiệm người gây ô nhiễm phải trả tiền. Người dân tham gia vào việc phân loại rác và Nhà nước sẽ hỗ trợ thu gom, xử lý. Giải pháp tiếp theo là xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ cũng như xác định xử lý rác là dịch vụ, sẽ tiến hành đấu giá.
Từng cho ý kiến về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng, muốn phát triển bền vững, cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nâng cao tái chế để đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam phần lớn rác thải thu gom được vẫn đang xử lý theo kiểu truyền thống chôn lấp, đếm tấn lấy tiền xử lý từ ngân sách. Trong khi nhiều nước trên thế giới xử lý rác thải trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, luyện thép; rác thải làm đầu vào trong nhà máy sản xuất phân bón…
Do đó, TS Tùng đề nghị và nhấn mạnh việc cần phân loại rác tại nguồn trước hết sẽ giúp giảm lượng rác thải mỗi ngày. Sau đó, sẽ thấy thứ gì thích hợp phát điện, xử lý trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, làm phân bón...
Nhiều chuyên gia cũng đóng góp ý kiến, để xử lý triệt để rác thải, các chuyên gia kiến nghị cần phải ban hành ngay cơ chế, chính sách để có thể biến rác thành nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế cho các ngành xi măng, phân bón, sắt thép...
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng chưa có quy hoạch xử lý rác thải
16:00, 03/10/2020
TP. HCM: Nâng cao nhận thức của người dân về rác thải
11:00, 21/09/2020
Đầu tư công nghệ xử lý rác thải: Địa phương cần phải thay đổi tư duy
04:30, 18/09/2020
Biến rác thải thành điện (Kỳ 2): Nhà đầu tư “ngại” địa phương
04:45, 11/09/2020
Biến rác thải thành điện (Kỳ 1): 25 triệu tấn "nguyên liệu" phải bỏ phí mỗi năm
05:00, 27/08/2020
"Ẩn họa" từ rác thải nhựa sau dịch COVID-19
03:10, 22/08/2020