Xuất khẩu cá tra khởi sắc nhờ sức mua từ Trung Quốc

LINH NGA 17/11/2020 04:00

Cho tới thời điểm này, đã có hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tích cực xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.

Ngành hàng cá tra đã khởi sắc trở lại, đây là tin vui cho doanh nghiệp lẫn ngư dân vào thời điểm cuối năm. Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính đến nửa đầu tháng 10/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 385,9 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho dù, giá trị giảm nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra và năm nay số lượng doanh nghiệp cá tra tham gia vào thị trường này cũng đông đảo nhất.

sd

Trung Quốc – Hồng Kông vẫn tiếp tục được đánh giá là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất các sản phẩm cá tra từ Việt Nam.

Tới thời điểm này, đã có hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tích cực xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, ba doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này là Công ty CP Thủy sản Trường Giang (TG FISHERY); Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI CORP) và Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO).

Trung Quốc – Hồng Kông vẫn tiếp tục được đánh giá là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất các sản phẩm cá tra từ Việt Nam như: Cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh…

VASEP cũng cho biết, kể từ cuối quý 3/2020, tình hình nhập khẩu cá tra ở một số thị trường lớn đã tích cực trở lại, trong đó một trong những nguyên nhân chính từ thị trường Trung Quốc - Hồng Kông. Nhờ vậy cũng một phần thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng. Cho tới nay, giá cá tra cỡ0,7 - 0,8 kg/con tại Đồng Tháp dao động từ 22.000 – 23.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng của đại dịch, sản lượng cá rô phi và sản phẩm cá thịt trắng khác của Trung Quốc bị dồn lại thị trường nội địa do xuất khẩu bị gián đoạn và ảnh hưởng. Hoạt động sản xuất, nuôi trồng cá nước ngọt của Trung Quốc trong ba quý đầu năm nay cũng không ngoại lệ. Điều này cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới việc nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc giảm hơn nhiều so với các năm khác.

Theo đánh giá của Tập đoàn Evergreen, năm 2020, sản lượng cá tra nuôi của Trung Quốc cũng có thể bị giảm gần ½ từ 32.000 tấn xuống còn khoảng 18.000 tấn do sản lượng cá thịt trắng trong nước lớn, nuôi trồng cũng bị ảnh hưởng.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ bị đánh thuế cao khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quay lại thị trường nội địa, đồng thời lên kế hoạch tăng cường hoạt động nuôi trồng cá tra tại một số địa phương có diện tích nuôi cá rô phi lớn.

Tuy nhiên, cho tới nay, chất lượng cá tra Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được yêu cầu của khách hàng nước này do thịt vàng, cá bột khó sinh trưởng trong môi trường với nhiệt độ lạnh. Do đó, cá tra Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh và có ưu thế tại thị trường này.

Liên minh Châu Âu (EU) và Châu Á đều tăng lượng nhập khẩu, với đà tăng trưởng này, hy vọng 2 tháng còn lại của năm nay, ngành hàng này sẽ có nhiều bứt phá.

Ngoài ra, hiện nay, các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ cùng các nơi khác đang bước vào giai đoạn chuẩn bị hàng hóa để phục vụ cho lễ Noel, Tết Dương lịch, vì vậy các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tăng cường nhập khẩu hàng hóa để phục vụ 2 sự kiện trên. Thế giới tăng lượng nhập hàng, trong nước thì tăng mua để ủng hộ ngư dân, vì vậy ngành hàng cá tra đã khởi sắc trở lại.

“Hiện nay, Tập đoàn Nam Việt xuất mỗi tháng từ 300-350 container cho các thị trường, đây là tín hiệu đáng mừng. Ngoài sản xuất phục vụ thị trường quốc tế, chúng tôi đã sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng theo tiêu chuẩn, chất lượng Châu Âu để phục vụ người tiêu dùng phía Bắc. Nam Việt xác định, thị trường nội địa là thị trường lớn, chúng tôi xúc tiến đưa hàng vào thị trường này để phục vụ người tiêu dùng trong nước, bởi không có lý do gì mà hàng ngon lại không bán cho dân mình ăn…” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Để hướng đến sự ổn định, phát triển bền vững của ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách mang tính bứt phá để vực dậy ngành hàng cá tra. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung đầu tư chương trình giống cá tra 3 cấp để cộng đồng có con giống khỏe mạnh, sạch bệnh. Đồng thời, vận động các tỉnh không phát triển thêm diện tích nuôi mới và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng theo hướng chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

Theo VASEP, thị trường đang có xu hướng tích cực dần, tuy nhiên, cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng trước khi quyết định mở rộng hay gia tăng đột ngột diện tích nuôi, sản xuất cá nguyên liệu. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cá tra giống chất lượng để thả nuôi

    Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cá tra giống chất lượng để thả nuôi

    15:08, 13/11/2020

  • Vì sao cá tra còn xa thị trường nội địa?

    Vì sao cá tra còn xa thị trường nội địa?

    06:31, 29/10/2020

  • Tuần hàng cá tra, ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội năm 2020

    Tuần hàng cá tra, ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội năm 2020

    22:26, 09/10/2020

  • Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra kỳ vọng tăng tốc vào EU sau dịch

    Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra kỳ vọng tăng tốc vào EU sau dịch

    05:00, 21/09/2020

LINH NGA