Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì thiếu container rỗng
Việc thiếu container rỗng cho xuất khẩu kể từ đầu tháng 10 tới nay đang khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị đảo lộn.
Theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, các đơn hàng xuất khẩu gạo đến kỳ phải giao cho đối tác của chúng tôi đang phải nằm trong cảnh chờ đến lượt được hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi. Điều này có thể do các hãng tàu giảm thời gian lấy container tại cảng xuất hàng và thời gian vận chuyển hàng giữa các cảng lâu hơn bình thường từ 7-20 ngày.
Chi phí "đội lên" 5-10%
Theo ông Có, việc phải “nằm chờ” đang gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp bởi chi phí bị đội lên ước tính từ 5-10% giá trị lô hàng vì phải chờ ở cảng. Đó là chưa kể thời gian vận chuyển lâu hơn bình thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT của Vina T&T Group cho biết, do lượng container rỗng về các cảng không nhiều nên Vina T&T cũng phải chờ đợi để đóng hàng xuất khẩu.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo báo là chưa có. 43% doanh nghiệp cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó khăn trong tuyến vận chuyển hàng hóa chủ yếu là qua khu vực Nội Á và Châu Mỹ.
VLA cho biết, việc thiếu hụt container rỗng do cuối năm là mùa cao điểm của xuất khẩu, thêm vào đó do Việt Nam là nước xuất siêu. Không những do ảnh hưởng của giao nhận container ở ICD /cảng cạn (depot) mà việc kiểm soát container rỗng của hãng tàu depot chưa tốt cũng đã gây thiếu hụt container ở Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Lê Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng (SNPL) cho biết, nguyên nhân chính gây thiếu hụt container rỗng là do sự bùng phát của đại dịch COVID-19, đặc biệt là giai đoạn cao điểm tháng 5 và tháng 9 vừa qua.
“Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của bão, sương mù nên việc xuất khẩu hàng qua các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc phải “ngủ lại”. Về năng lực tiếp nhận rỗng của các cảng nước sâu chuyển về các cảng ICD còn hạn chế, cụ thể các tại TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương hiện nay có khoảng 50 depot rỗng nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó trong ICD có khả năng trực tiếp tiếp nhận rỗng từ các cảng nước sâu”, ông Lê Kim Cương chia sẻ.
Thực tế này theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng GĐ Công ty Cổ phần Gemadept đánh giá là khiến cho chi phí vận chuyển qua cảng này lớn.
“Việc một số cảng nước sâu công suất lớn như cảng Thị Vải – Cái Mép không có depot container rỗng khiến cho chi phí vận chuyển qua cảng này lớn, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đổ xô vào các cảng quanh TP.HCM dẫn đến việc ùn tắc, quá tải và giải phóng container rỗng do đó cũng chậm hơn. Ngoài ra, việc sửa chữa hư hỏng cho container tại các depot để đảm bảo đạt chuẩn đưa vào sử dụng cũng là việc cần lưu ý và cải thiện”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Ứng dụng giải pháp công nghệ
Để giải quyết những khó khăn hiện tại, Phó Tổng GĐ Công ty Cổ phần Gemadept cho rằng, cần ứng dụng giải pháp công nghệ giúp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên tham gia, đồng thời thông tin thị trường cũng sẽ được thông suốt, góp phần cải thiện tình trạng tiêu cực hiện tại và từ đó vòng quay tái sử dụng container rỗng cũng sẽ được đẩy nhanh.
Một số đề xuất khác nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt container rỗng là tăng cường sử dụng cơ sở mới, ở vùng nào thì chủ động lấy container vùng đó để tránh tình trạng ùn tắc và thiếu hụt khi chỉ tập trung vào một chỗ.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA khuyến nghị, về phía hãng tàu, việc cung cấp thông tin minh bạch cho chủ hàng/các công ty giao nhận, cũng như cân đối chiến lược bán hàng và nhận booking theo khả năng cung ứng là cần thiết.
Bên cạnh đó, hãng tàu cũng cần cải thiện việc trao đổi thông tin chính xác và kịp thời với depot hơn, đồng thời tăng cường ủy quyền cho các depot trong việc sửa chữa container để đẩy nhanh việc đưa container đạt chất lượng vào sử dụng.
Đối với các chủ hàng/công ty giao nhận, cần tuân thủ các yêu cầu về thủ tục booking để giữ chỗ sớm. Cơ chế thưởng/phạt đối với các chủ hàng/công ty giao nhận khi trả vỏ container rỗng nhanh/chậm cũng nên được đưa vào áp dụng.
Có thể bạn quan tâm
Thanh toán trực tuyến phí logistics qua Vietcombank tại Cảng Hải Phòng
10:15, 20/11/2020
Bee Logistics nhận Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN lần thứ 2 liên tiếp
12:55, 17/11/2020
Ngành logistics vượt rào cản nội tại
04:15, 13/11/2020
Cảng biển và chuỗi logistics hàng hải quốc tế
05:00, 01/11/2020
Doanh nghiệp logistics cần chuyển đổi số để bắt kịp xu thế
04:00, 16/10/2020
Tìm cách giảm chi phí logistics cho nông sản
06:00, 26/09/2020
Logistics miền Trung: Chồng chéo quy hoạch (Bài 2)
05:13, 17/09/2020
Logistics miền Trung: Nói và làm
01:02, 16/09/2020