Thu phí tự động không dừng: Lo ngại các dự án phụ phát sinh
Theo nhiều nhà đầu tư BOT, việc nhà đầu tư BOT phải trích 5 - 7% doanh thu cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) là vô lý.
Thiếucơ sở và tính nhất quán
Theo nhiều nhà đầu tư BOT, phương án mà Bộ GTVT đưa ra và yêu cầu nhà đầu tư BOT phải trích 5 - 7% doanh thu cho nhà cung cấp ETC là thiếu cơ sở, và vô lý. Bởi, không thể đè nặng áp lực lên vai nhà đầu tư BOT khi bản thân các dự án này cũng đang rất khó khăn do các nguyên nhân khách quan mà đến nay vẫn chưa có đường hướng để tháo gỡ giải quyết.
Việc thiếu cơ sở và vô lý còn ở chỗ quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm như nhau nhưng khi ký hợp đồng với mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ (BOO1& BOO2) lại quy định một mức phí khác nhau; có nhà cung cấp dịch vụ đàm phán mức phí theo thị trường với đơn vị sử dụng (khoảng 2-3% doanh thu trước thuế) nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu mức (5-7% doanh thu sau thuế) với lý do mức phí được ký hợp đồng triển khai dịch vụ với Bộ GTVT tại các trạm là như vậy.
Bên cạnh đó cùng một đầu mối quản lý và nội dung triển khai, thì có nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các nhà đầu tư BOT được lựa chọn hình thức thực hiện là có thể chủ động xây dựng hệ thống Front-End và chỉ cần thuê kết nối Back-End; có nhà cung cấp dịch vụ ETC thì yêu cầu phải bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí để quản lý vận hành trong khi nó thuộc quyền của nhà đầu tư BOT… Vì thế nếu Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư BOT phải ký hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ cụ thể được chỉ định thì dẫn đến các vướng mắc không thể thống nhất đượ,c trong khi nhà đầu tư BOT có toàn quyền chào mức phí thấp hơn để lựa chọn nhà cung cấp.
Cần "thuận mua, vừa bán”
Theo PGS.TS Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), từ câu chuyện ETC soi chiếu 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đầu tư theo phương thức PPP, và ngoài kết quả sơ bộ đánh giá về hồ sơ đề xuất kỹ thuật thì nhà đầu tư có giá gói thầu (mức vốn góp nhà nước) thấp nhất sẽ được xem xét phê duyệt trúng thầu. Như vậy, đối với phụ lục hợp đồng giữa đơn vị cung cấp dịch vụ ETC và nhà đầu tư BOT, hiện nay, mức trích thu phí là chính là điều khoản gây tranh cãi. Song, trong điều kiện nền kinh tế thị trường thì cần phải đảm bảo được các yếu tố của điều khoản này là “thuận mua, vừa bán”. Có nghĩa là mức trích thu phí không thể áp đặt, mà phải có hướng dẫn cũng như sự thương thảo, thỏa thuận giữa hai bên.
Cũng theo PGS.TS Trần Chủng, đơn cử trong thời gian vừa qua, nhận thấy được các bất cập trong việc triển khai thu phí không dừng, trong vai trò Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp cùng nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng trên các tuyến do địa phương quản lý. Đáng chú ý, tiêu chí tiên quyết đưa ra để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC là mức phí dịch vụ đề xuất (tỷ lệ % trên doanh thu) với giá thấp nhất và đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị, kết nối hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
Cụ thể, ở dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã mời Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (Công ty VDTC) tham gia nộp hồ sơ đề xuất cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng trên tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Kết quả, Công ty VETC và Công ty VDTC đã tham gia nộp thầu và cùng chào mức phí dịch vụ đề xuất là 2%/ doanh thu toàn trạm cao tốc (không bao gồm thuế VAT), buộc Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn phải đề nghị hai đơn vị này chào lại giá.
Để “dành được khách” và “bán được hàng”, các bên phải đưa ra sự cạnh tranh về giá, hậu mãi khi sử dụng dịch vụ. Trong cuộc đua này, VETC đề nghị lại mức phí là 1,8%; còn VDTC vẫn giữ nguyên mức 2% nhưng kèm theo ưu đãi miễn giảm phí cung cấp dịch vụ trong thời gian 90 ngày (kể từ ngày chính thức đưa dịch vụ vào sử dụng).
"Dù chưa biết đơn vị nào sẽ được chọn, nhưng với cách làm minh bạch, không độc quyền, có sự cạnh tranh nhau rõ ràng giữa các nhà cung ứng dịch vụ và khi nhà đầu tư BOT có sự lựa chọn thì chắc chắn việc triển khai thu phí không dừng sẽ “thông”. Ngược lại, nếu không làm được cách như tỉnh Lạng Sơn đã làm thì lo ngại dự án phụ phát sinh sau… “ký sinh”. Bởi, theo số liệu báo cáo của Tổng cục đường bộ, trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ ETC, thì cũng chỉ có 20% số chủ xe trong số 900.000 phương tiện đã nạp tiền vào tài khoản thu phí để sử dụng. Nguyên nhân, không ít phàn nàn từ người dùng đối với vận hành ETC hiện nay do các bất tiện về tài khoản thu phí ETC chưa liên thông với tài khoản ngân hàng, phát sinh nhiều loại tài khoản thẻ. Và điều này chính là lo ngại lớn về tiến độ, mức hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ về thu phí tự động không dừng đến ngày 31/12/2020" – PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chủ phương tiện lo ngại sẽ càng bất cập hơn khi hình thức thu phí ETC giữa các trạm do hai đơn vị cung cấp dịch vụ VETC (BOO1) và VDTC (BOO2) hiện chưa được kết nối liên thông. Trong khi theo quy định thì hệ thống của 2 đơn vị này phải tương thích và liên thông với nhau. Hiện nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể để kết nối liên thông và không biết bao giờ được thực hiện nên các chủ xe lại phải mua riêng 2 loại thẻ cho mỗi lần muốn sử dụng dịch vụ được gọi là “tiện ích” trong quá trình lưu thông.
Có thể bạn quan tâm
Thu phí tự động không dừng: Vì sao doanh nghiệp đòi ký hợp đồng trực tiếp với Bộ GTVT?
05:00, 04/11/2020
Chính phủ gỡ khó thu phí tự động không dừng của VEC
16:22, 17/09/2020
Chính thức thu phí tự động không dừng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
17:01, 11/08/2020
Thu phí tự động không dừng liệu có về đích trong năm nay?
06:50, 25/05/2020
Thu phí tự động không dừng: Phải gỡ “nút thắt” để hoàn thành trong năm 2020
15:23, 21/03/2020
Báo cáo Thủ tướng tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trước ngày 30/11
01:03, 22/11/2019
Bộ GTVT gỡ “nút thắt” thu phí tự động không dừng (ETC)?
19:34, 14/11/2019