Điện mặt trời mái nhà "ngóng" hướng dẫn mới
Yêu cầu phải thực hiện đánh giá tác động môi trường ĐTM cho khu công nghiệp, khiến các nhà đầu tư lo lắng vì thiếu hướng dẫn cụ thể từ các Bộ ngành.
Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được phản ánh của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp kiến nghị về những vướng mắc liên quan đến thủ tục thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM cho hạng mục lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà trong khu công nghiệp. Các doanh nghiệp đắn đo, lo lắng không biết thực hiện quy định này như thế nào vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể về những khó khăn trên, lãnh đạo Hiệp hội các Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) cho biết; hiện tại nhiều khu công nghiệp đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái trên nhà xưởng.
Tính từ tháng 6/2020 đến 31/12/2020, các khu công nghiệp đã lắp đặt được 67MWp góp phần thực hiện chỉ tiêu của Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh phấn đấu 200MWp cho năm 2020 và cuối đến năm 2020 đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, đạt 300MWp toàn thành phố.
Thực hiện Nghị Quyết của Bộ chính trị, Quyết định của Chính phủ và thông tư của Bộ Công Thương về điện mặt trời và năng lượng tái tạo năm 2020, nhiều doanh nghiệp, nhà máy của toàn Khu đều hưởng ứng mục tiêu này.
Thế nhưng, hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi những yêu cầu, điều kiện mới phải thực hiện. Chẳng hạn như: Ngoài quy định không cho tiếp nhận số dư công suất của điện mặt trời mái nhà lên lưới của các chi nhánh và Tổng công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, thì các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều rào cản mới về thủ tục cần bổ sung như: Giấy phép xây dựng, Giấy phép phòng cháy chữa cháy, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM...
Trong đó yêu cầu đánh giá tác động môi trường điện mặt trời này phải thực hiện cho từng doanh nghiệp hay thực hiện cho toàn khu công nghiệp, những điều kiện về thủ tục hành chính này đang khiến rất nhiều lãnh đạo khu công nghiệp lo lắng.
Phân tích về những bất cập trên, đại diện Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) cho biết: Nhiều doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước đang có nhu cầu đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời áp mái tại KCN, một mặt là giảm nhiệt năng chống nóng xuống mái nhà xưởng, hai là tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời vào sản xuất kinh doanh và hoàn thành tiêu chí "chứng chỉ xanh" trong khu công nghiệp.
Tuy nhiên liên quan đến những điều kiện mới từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, rà soát lại hồ sơ pháp lý kinh doanh, Hiệp Phước nhận thấy khu công nghiệp còn nhiều bất cập cần được các Bộ ngành phân ban, tạo điều kiện hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp hiểu và thực hiện;
Cụ thể, trước kia Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 không bao gồm ngành nghề liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện năng lượng mặt trời. Do đó, ngoài HIPC thì các Khu công nghiệp khác cũng đang thiếu những thủ tục cần thiết để hướng dẫn nhà đầu tư, liên hệ xin thi công lắp đặt, sử dụng kinh đoanh điện mặt trời áp mái theo đúng quy định của pháp luật.
"Trước những khó khăn trên, HIPC đề nghị các cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu cần tư ban hành những quy định, văn bản hướng dẫn chi tiết để chúng tôi tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hạng mục điện mặt trời mái nhà của khu công nghiệp đã được phê duyệt "- Đại diện HIPC đề xuất.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng gửi kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc không thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà đối với một số khu công nghiệp trong phạm vi địa bàn tỉnh.
Nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không có cơ sở để áp dụng việc miễn hoặc không thực hiện ĐTM khi bổ sung ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.
Lý giải về điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án đầu tư mở rộng quy mô, thay đổi loại hình sản xuất của khu công nghiệp đang hoạt động, bao gồm cả việc bổ sung ngành nghề sản xuất và phân phối điện, hoạt động sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời thuộc đối tượng phải lập Báo cáo ĐTM theo quy định tại số thứ tự 105 Phụ lục II mục I Nghị định số 40/2019/NĐ-CP liên quan đến Luật Môi trường.
Như vậy theo điều kiện của Bộ này, thì các khu công nghiệp sắp tới bắt buộc phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM mới được lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Được biết, lợi ích từ điện mặt trời áp mái vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải tại chỗ, vừa giúp giảm tải cho toàn hệ thống điện, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ cho mục đích kinh doanh sản xuất trong nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải tại chỗ đang được nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm. Bởi ngoài mục tiêu tiết kiệm chi phí điện năng, sử dụng điện mặt trời còn giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm "chứng chỉ xanh", tạo lợi thế về thu hút đầu tư khối doanh nghiệp FDI vào khu công nghiệp, mà còn nâng cao giá trị cạnh tranh về sản phẩm hàng hoá xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Do đó, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, các cấp Bộ, ngành cần sớm ban hành những văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể, giúp các chủ đầu tư và doanh nghiệp được yên tâm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời, góp phần giảm áp lực lên hệ thống truyền tải và tạo giá trị cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm