Kịch bản phục hồi cho thị trường hàng không
Dự báo thị trường hàng không bắt đầu khôi phục từ quý III/2021, đến năm 2023, thận trọng hơn là năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019.
Vietnam Airlines vừa cho biết từ tháng 7 đến tháng 10/2021, hãng mở lại các đường bay quốc tế giữa Việt Nam và một số điểm đến tại châu Á, châu Âu và châu Úc để phục vụ nhu cầu của hành khách, đặc biệt là người lao động, du học sinh mong muốn tiếp tục làm việc, học tập tại nước ngoài và các chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam.
Hồi phục từ quý III/2021
Cục Hàng không Việt Nam nhận định, thị trường hàng không sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021 khi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt là tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết theo đánh giá dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý 3, đầu quý 4/2021.
“Với những đánh giá nêu trên, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách,” ông Thắng kỳ vọng.
6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách giảm 19,4% so cùng kỳ 2020, trong đó 145.000 khách quốc tế giảm 97,9% và 26,7 triệu khách nội địa tăng 1,4%.
Hiện, thị trường hàng không Việt Nam vẫn liên tục có các bước thăng, trầm tương ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài... đi/đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước vẫn được tiếp tục. Các chuyến bay quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi các nước vẫn chưa được thực hiện. Các hãng hàng không Việt Nam chủ yếu khai thác các đường bay trong nước.
Số lượng đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm đã đạt 62 đường bay, tăng 10 đường so với năm 2019. Tuy nhiên, từ 31/5, khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội, hành khách nội địa đã sụt giảm còn 20-30% so với tháng 3-4 trước đó. Thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng 6 này chỉ tương ứng 5-10% lượng vận chuyển trung bình tháng 4/2021.
Triển khai nhanh “hộ chiếu vaccine”
Đến nay, hai hãng hàng không gồm Vietnam Airlines và Vietjet Air đã triển khai ứng dụng “hộ chiếu sức khỏe điện tử”, đây có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.
Cụ thể, Vietnam Airlines thông báo sẽ chính thức triển khai thử nghiệm ứng dụng “hộ chiếu sức khoẻ điện tử” IATA Travel Pass trên 2 chuyến bay mang số hiệu VN301 từ Sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) đi Đà Nẵng vào ngày 15/7 và 23/7 tới.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của British Airways Sean Doyle đánh giá: “Đây là một giải pháp đóng vai trò quan trọng trong việc nối lại các đường bay quốc tế, giúp người dân an tâm đi lại, du lịch, công tác và hy vọng đây sẽ là một nền tảng thân thiện và hữu ích cho hành khách khi di chuyển trong thời điểm còn dịch COVID-19.”
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết theo đánh giá của các tổ chức hàng không và Vietnam Airlines, thị trường khách quốc tế có thể sẽ cần 2-3 năm để hồi phục tương đương với mức của năm 2019, trong khi thị trường nội địa có thể phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Với kịch bản lạc quan, dự báo đến năm 2023, thận trọng hơn là năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019”, ông Hòa đưa ra dự báo.
Để làm được điều này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay, theo ông Hòa, Vietnam Airlines và các doanh nghiệp hàng không rất mong Chính phủ và các bộ, ban, ngành xem xét các phương án hỗ trợ tiếp theo để tiếp sức cho ngành hàng không vượt qua khó khăn trong năm nay và tạo đà phục hồi trong các năm sau.
“Bơm máu” cho doanh nghiệp
Khẳng định khó khăn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền, theo ông Thắng, các hãng không bay thì không có doanh thu, điều này giống như dòng máu trong cơ thể nếu tắc sẽ làm gián đoạn rất lớn.
Ông Thắng cũng đưa ra quan điểm để vực dậy các hãng hàng không vào giai đoạn này thì sự hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không có vốn để khôi phục lại các dịch vụ.
“Hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là hỗ trợ mồi, khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính hãng bay”, Cục trưởng Cục Hàng không nói.
Trước những khó khăn trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 cho các hãng hàng không với mục đích giúp các hãng giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển.
Nhận định thị trường hàng không đang tiếp tục “đóng băng” trong giai đoạn làn sóng Covid lần thứ tư, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) kiến nghị mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.
Cụ thể, theo Thông tư 04/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0%, VABA đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỉ đồng tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác.
VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỉ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển đồng thời cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29.5.2020 của Chính phủ.
Đồng thời đề nghị cho phép áp dụng mức ưu đãi như nội dung của Thông tư 19/2020 của Bộ Giao thông Vận tải từ 1/1/2021 đến 30/6/2022. Đồng thời giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay đi du lịch; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành Hàng không từ nay đến hết năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Sớm công nhận "hộ chiếu vaccine" để khôi phục thị trường hàng không
02:00, 11/07/2021
Cổ phiếu hàng không và cơ hội đầu tư trong dài hạn
05:00, 08/07/2021
Kiệt sức - hàng không xin mở cửa “hộ chiếu vaccine”
04:00, 04/07/2021
Tín hiệu phục hồi tích cực của hàng không thế giới
09:38, 01/07/2021
Thấy gì từ các dự án lập hãng hàng không?: Vật vã chờ cất cánh
04:00, 24/06/2021
Kiến nghị loạt giải pháp về tài chính hỗ trợ hàng không Việt
11:00, 28/06/2021