Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 2) Chiến lược nào cho nền kinh tế?

LINH NGA 30/07/2021 04:00

Trong ngắn hạn, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế Covid-19, tổ chức tiêm vaccine nhanh và hiệu quả.

ds

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh chụp từ màn hình trực tuyến).

Đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng cho chiến lược định vị lại nền kinh tế Việt nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, PGS. TS Nguyễn Anh Thu nhận định, trong ngắn hạn, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế Covid-19, tổ chức tiêm vaccine nhanh và hiệu quả.

Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Việt Nam trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm và đúng địa chỉ. Sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ.

Bên cạnh đó, đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.

PGS. TS Nguyễn Anh Thu khẳng định: "Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu".

Trong trung và dài hạn, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

fd

Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực. 

Song song với đó, Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Để làm được điều này, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), đồng thời tạo môi trường để các FTA phát huy hiệu quả.

PGS. TS Nguyễn Anh Thu cho rằng "mặc dù đầu tư công cần có lựa chọn, song Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện hệ thống vận tải nhằm thúc đẩy lưu thông hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế; tận dụng các FTA nhằm cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động giao thương.

Hoạt động xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Để Việt Nam có thể cải thiện TFP của mình thông qua việc tham gia vào GVC, PGS. TS Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh, Việt Nam có thể thông qua việc thiết lập và gắn kết với các đối tác là các quốc gia có mức thu nhập cao hơn và phát triển hơn.

Xu hướng xanh hóa và số hóa được đẩy mạnh mở ra nhiều cơ hội mới, cách làm mới cho hầu hết các ngành. Với 2 ngành điện tử và thực phẩm, có thể nghiên cứu các cơ hội mới và cách làm mới như phát triển phân khúc sản phẩm sạch, organic; cách thức thương mại (sử dụng các sàn thương mại...) đối với sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đồng ý việc tiếp cận, nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu mà nhóm nghiên cứu VEPR tiếp cận nhưng ông cũng cảnh báo, cần chú ý tới cơ sở khoa học và tính đúng đắn cũng như hạn chế của các bộ chỉ số mà Việt Nam tiếp cận để có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, dịch bệnh đang có những tác động mạnh mẽ, làm đảo lộn và thay đổi mọi dự báo chỉ trong vòng 1 tháng. Theo TS Cấn Văn Lực, trên thế giới đến thời điểm hiện nay, đa số các quốc gia đều thay đổi phương thức điều hành kinh tế theo hướng tập trung vào nhóm, khối thay vì đại trà và song phương, đặc biệt thay đổi nhiều về tài khóa và tín dụng, trong đó phải kể đến các gói hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 cũng như sự gia tăng quản lý, định hướng trong vai trò của chính phủ, xu hướng tăng trưởng xanh...

Có thể bạn quan tâm

  • Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 1) Các kịch bản tăng trưởng

    Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 1) Các kịch bản tăng trưởng

    11:00, 29/07/2021

  • Standard Chartered giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

    Standard Chartered giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

    15:00, 20/07/2021

  • Chuyên gia nước ngoài nói gì về phục hồi kinh tế Việt Nam?

    Chuyên gia nước ngoài nói gì về phục hồi kinh tế Việt Nam?

    03:30, 20/07/2021

  • [Infographic] Cập nhật hai kịch bản, ba giải pháp kinh tế Việt Nam 2021

    [Infographic] Cập nhật hai kịch bản, ba giải pháp kinh tế Việt Nam 2021

    04:00, 17/07/2021

  • Cập nhật hai kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2021

    Cập nhật hai kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2021

    14:30, 15/07/2021

LINH NGA