Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 5) Tận dụng các FTA ra sao?
Việt Nam mở cửa với bên ngoài nhưng nội lực bên trong với các điểm nghẽn chưa được giải quyết thì sẽ khó tối đa hoá được lợi ích từ các FTA.
Góp ý kiến tại Hội thảo "Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu", TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế- xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư lưu ý tới ảnh hưởng của gói kích thích kinh tế của các nước đối tác lớn hiện nay như gói 1.900 tỷ USD của Mỹ, 750 tỷ Euro của EU, hay các gói của Nhật Bản… tới nền kinh tế.
“Những phân tích của chúng tôi hiện nay thì những gói kích thích “khổng lồ” này đều có ảnh hưởng tới sự triển vọng của nền kinh tế thế giới, trong đó có cả Việt Nam” – TS Trần Toàn Thắng nói và thông tin rằng các gói này còn ảnh hưởng trực tiếp từ xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và EU. Mặc dù quá trình này diễn ra từ 2020, đầu 2021 nhưng ảnh hưởng thì có thể kéo dài đến 2024 tuỳ vào tính chất của các gói hỗ trợ. Dự báo điều này có thể ảnh hưởng từ 0,75-1 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở quãng thời gian từ nay tới cuối năm hoặc trong năm 2022.
Ngoài ra, ông cho biết, tính toán cho thấy rằng các gói hỗ trợ này ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam rất nhiều mặc dù cho đến hiện nay lạm phát bình thường, nhưng điều này không đảm bảo cho dự báo cuối năm.
Về thực hiện FTA, TS Thắng cho rằng kể cả trong báo cáo không đề cập được nhiều. Chúng ta đang nói rất nhiều tới việc FTA giúp cho Việt Nam đa dạng hoá thị trường và tiếp cận thị trường thế giới. Thế nhưng nhìn lại cơ cấu xuất khẩu theo thị trường hay cơ cấu xuất khẩu theo mặt hàng trong vòng 10 năm trở lại đây thì không thay đổi nhiều. Chỉ số mức độ tập trung theo thị trường còn tăng lên. Các FTA có tác động tới xuất khẩu nhiều hay là tập trung ở câu chuyện đầu tư nhiều hơn là câu hỏi đặt ra.
Ngoài CPTPP, EVFTA là những hiệp định lớn ảnh hưởng tới câu chuyện sản xuất thì Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng cần phải chú ý đặc biệt là sau COVID. Tác động từ việc giảm thuế quan là không nhiều nhưng hiệp định này có tác động đến tái định hình chuỗi cung ứng ở châu Á. 3 nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản được xem là chìa khoá nắm chuỗi cung ứng của khu vực này, trước khi có RCEP thì họ đã có các hiệp định thương mại và đầu tư khác có lợi thế thương mại tăng lên.
TS Thắng cũng chỉ ra rằng, có một tác động rất rõ là khả năng kích thích nhập khẩu vào Việt Nam dưới tác động của RCEP rất nhiều. Vì, trước đây Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc xuất sang Nhật thì không được hưởng thuế quan ưu đãi, nhưng bây giờ lại được do tính gộp của quy định xuất xứ. Đây chính là lý do khiến cho nhập khẩu sẽ tăng lên và sẽ là câu chuyện rất lớn gắn với nội địa hoá của Việt Nam và với việc phát triển các ngành…
“Mặc dù kí nhiều FTA nhưng tỷ lệ để hưởng lợi từ các hiệp định này có tăng nhưng không thay đổi nhiều, chỉ khoảng 35-37 doanh nghiệp được hưởng thuế quan ưu đãi từ FTA” – ông thông tin. Nói cách khác chúng ta vẫn mở với bên ngoài nhưng nội lực bên trong với các điểm nghẽn (nội địa hoá chưa cao, công nghiệp hỗ trợ thấp;...) chưa được giải quyết thì sẽ khó tối đa hoá được lợi ích từ các FTA.
Về chi phí thương mại trong thời gian tới, chi phí logistics sẽ thay đổi rất nhanh là điều cũng cần quan tâm. Trong ngắn hạn, sự mất cân đối điểm đến và điểm đi về nguồn hàng diễn ra do dịch bệnh đã khiến cho giá tăng nhưng nếu biện pháp giãn cách của các quốc gia thả lỏng thì giá sẽ giảm. Nhưng câu hỏi đặt ra liệu có tạo ra mặt bằng giá mới hay không? Nếu như tạo ra thì tái định hình chuỗi cung ứng ra sao là điều cần suy nghĩ và tính toán đến.
Bởi vậy, TS Thắng cho rằng, từ câu chuyện trên cần nhìn và xem xét sau khi thực hiện FTA thì chuỗi Việt Nam tiến tới đâu và Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì để đáp ứng và tận dụng được các lợi thế như chúng ta đang kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 4) Các xu hướng quan trọng
04:10, 01/08/2021
Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động:(Kỳ 3) Gắn chặt với các xu thế lớn của thế giới
04:00, 31/07/2021
Định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu
05:00, 30/07/2021
Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 2) Chiến lược nào cho nền kinh tế?
04:00, 30/07/2021