Tái cấu trúc lao động nông thôn: Xây đội ngũ “công nhân nông nghiệp”
TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc tái cơ cấu lại ngành nghề, lại lực lượng lao động.
LTS: Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn định về kinh tế thì người lao động sẽ tìm cách để lên thành phố... Vì vậy, cần có chính sách phù hợp để phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, bảo đảm đủ lực lượng lao động để giữ nhịp phát triển cho các đô thị và ổn định nguồn nhân lực tại vùng nông thôn.
Ông Hùng nhấn mạnh: hình ảnh của những lao động “di cư ngược”, ai trong chúng ta cũng đều thấy rất buồn. Vì vậy, sớm tìm ra một giải pháp khả thi nhất để giữ nguồn nhân lực dồi dào tại nông thôn phục vụ phát triển kinh tế ngay tại quê nhà là một vấn đề tưởng chừng như cũ nhưng lại là vấn đề mới, có tính cấp thiết.
- Vậy trước thực trạng hiện hữu, theo ông giải pháp là gì?
Theo tôi, để giữ chân được lao động ở nông thôn, để không có cảnh di cư ngược như vừa qua, có 2 vấn đề rất quan trọng:
Thứ nhất, phải đẩy nhanh việc thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Và để “kéo” người lao động ở lại với “tam nông”, thực hiện chương trình nông thôn mới, nhiều nơi cũng đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, đã có các mô hình điển hình. Ngoài những lao động cố cựu “bám đất, bám vườn” thì mỗi năm địa phương cũng đã giải quyết được việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại chỗ, thông qua việc phát triển hoạt động công nghiệp, dịch vụ, chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống...
Thứ hai, quan tâm đến đào tạo nghề cho người lao động để họ có thể bám trụ được ngay trên mảnh đất quê hương. Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã tổ chức được các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động trên địa nhưng do nhu cầu việc làm tại địa phương còn hạn chế, công tác đào tạo nghề còn có những bất cập, nên nhiều lao động không tìm được việc làm tại chỗ, phải bỏ quê hương đi làm ăn xa xứ.
Thực trạng hiện nay ở nhiều nơi việc “ly nông” cũng diễn ra theo phong trào rồi nhiều lúc người lao động cũng đã tự quay về, với suy nghĩ là không đâu bằng ở quê hương mình. Dù thu nhập có thấp nhưng vẫn bảo đảm được chi phí sinh hoạt, đời sống hằng ngày. Đây cũng là cơ hội để các địa phương thúc đẩy các kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thông thời kỳ “hậu đại dịch”, theo hướng bền vững.
- Nhưng những giải pháp này đã triển khai nhiều năm và chưa có những chuyển biến lâu dài, thưa ông?
Đúng vậy! Vì vậy trong thời gian tới, theo tôi cần phải có sự quyết tâm cao độ và các giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội, nhất là an sinh xã hội… Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu trong nông nghiệp phải thật sự “liên kết” chặt chẽ với thực trạng đời sống của nông dân, với hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay.
Khi những người nông dân thật sự là “công nhân” trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình họ, thì họ sẽ “ly nông” nhưng sẽ bất “ly hương”. Và, mấu chốt tận cùng của mà chúng tôi muốn nói đến là làm nông nghiệp có thể mang lại thu nhập ổn định, tiến lên làm giàu.
Việc phát triển các khu công nghiệp nông thôn không chỉ giải được bài toán ly nông mà không ly hương; mà còn giúp cuộc sống người lao động sống và làm việc ngay trên mảnh đất quê hương của mỗi người. Phải tìm mọi cách nhân rộng, phát triển các ngành, lĩnh vực phụ trợ liên quan - đó chính là hình hài phôi thai của chuỗi liên kết dọc và ngang và đáp ứng yêu cầu của chính những doanh nghiệp tại địa phương.
- Ở góc độ dạy nghề, ông có đưa ra những giải pháp gì đối với lượng lao động trẻ?
Hiện nay, với việc hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, một mấu chốt khác tiếp tục đặt ra cho ngành nông nghiệp: phải đào tạo cho được đội ngũ các “công nhân nông nghiệp” có tay nghề, có kiến thức khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, “nút thắt” trong đào tạo nghề là xác định, lựa chọn nghề đào tạo để làm “nông nghiệp tiên tiến, hiện đại”.
Nhưng căn nguyên của vấn đề này lại là công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chưa có các giải pháp đồng bộ về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp để thực hiện quy hoạch.
Như vậy, “nút thắt” ở đây được hiểu chính là nguồn việc làm để từ đó định hình và thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho lao động. Việc làm sau đào tạo là “chìa khóa” giám sát, kiểm soát đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Điều này tất yếu hình thành cơ chế ràng buộc là: “Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và dự kiến được mức thu nhập sau học nghề”. Chứ không dạy nghề ào ào, học nghề ào ào nhưng chứng chỉ học nghề bị bỏ phí trong các tủ kính!
Phải giải quyết bằng được những bất hợp lý này, để người dân “ly nông” nhưng không “ly hương”.
- Xin cảm ơn ông!
Giữ chân lao động có quá khó?
Nắm bắt cơ hội người lao động ở TP HCM ùa về lánh dịch COVID-19, một doanh nghiệp may mặc Quảng Trị nhanh chóng đăng hàng loạt bản tin tuyển nhân công với chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn. Nhưng, nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp lớn ở TP HCM đứng trước nguy cơ thiếu lao động, biện pháp “3 tại chỗ” không tác dụng vì chi phí phát sinh quá lớn, nhiều nhà máy chỉ duy trì được một nửa lao động hiện có.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ như đang “ngồi trên đống lửa” khi các hợp đồng đặt hàng tới tấp “bay về” Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp hiện trong tình trạng sụt giảm lao động nghiêm trọng. Thống kê của VIFOREST, có 265 doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản ở Đông Nam Bộ sử dụng 200.000 lao động nay chỉ còn gần 40.000 người đủ điều kiện ở lại. Họ phải hồi hương vì không thể sống mà không đi làm, không có thu nhập. Đây không đơn thuần là câu chuyện việc làm, thu nhập, di cư trốn dịch tạm thời, hệ lụy tác động trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu xuất khẩu, phung phí động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Rõ ràng, cú sốc nhân sự này là bài toán vi mô nhưng mang dáng dấp vĩ mô, ngoài tầm với của doanh nghiệp, nhưng không quá khó để giải quyết - lẽ ra nên được dự liệu từ khi dịch bệnh mới bùng phát.
Tổng Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ từng nói rằng: “để giữ chân người lao động, đôi khi đơn giản lắm, đó là cơm ăn, nước uống hàng ngày họ sẽ trung thành với mình, chứ chưa cần nói đến những thứ cao xa”. Trong bối cảnh này, đúng là sinh kế mới thật sự quan trọng.Vaccine, dĩ nhiên là thứ cần phải có nếu muốn duy trì sản xuất ở trạng thái tốt nhất. Nhưng, nhà nước và nhà doanh nghiệp vẫn có thể giữ lao động ở lại thành phố tạm thời nếu như đảm bảo cho họ có cơm, rau mỗi ngày, chờ dịch lắng xuống hoặc đủ vaccine.
Hàng chục nghìn lao động đã hồi hương, trở lại thành phố hay không - phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm và mức độ đãi ngộ ở những doanh nghiệp tỉnh lẻ. Một cuộc cạnh tranh, giằng xé bắt đầu diễn ra.
Khắc Trà
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 18/08: Tái cấu trúc lao động nông thôn
06:20, 18/08/2021
Hải Phòng: 120.000 lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề
01:16, 07/01/2021
Lao động nông thôn tỉnh Hòa Bình: Học nghề để khởi nghiệp
04:05, 29/10/2020
Hà Nội dành hơn 36 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
22:47, 15/02/2020