“Mở cửa” kinh tế TP HCM: Phải tính phương án liên vùng
Mở cửa không thể đặt nền móng và bắt đầu với sự bó hẹp giới hạn hành chính, mà phải nhìn trên tổng thể và liên vùng, bao gồm cả chuỗi giá trị từng ngành và hệ sinh thái của nền kinh tế.
Đó là những quan điểm, đề xuất, hiến kế của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý về việc mở cửa kinh tế TP HCM và các tỉnh phía Nam, sau những ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.
Phải nhìn vào tổng thể và chi tiết
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Nhật Quang, cho rằng đáng lý ra việc mở cửa nền kinh tế TP HCM và các tỉnh phía Nam đã phải xây dựng kịch bản và thực hiện ít nhất khoảng 2 tháng về trước để sẵn sàng ứng phó với những khó khăn lớn nhất từ dịch bệnh gây ra. Tính đến thời điểm hiện tại kể từ khi dịch bệnh lần thứ 4 xuất hiện, TP HCM đã hy sinh kinh tế và phải mất hơn 3 tháng để chống chọi với dịch bệnh, nhưng đổi lại thì kết quả mà chúng ta nhận được là thiệt hại quá lớn bao gồm cả người và của.
Cũng theo ông Vinh, nói như vậy không phải là giờ phút này chúng ta ngồi lại để trách móc nhau, mà là tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất để không phục nền kinh tế một cách hiệu quả. “Chúng ta hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với các lãnh đạo TP, khi phải nhấn mạnh rằng:TP HCM đã trải qua 3 tháng căng mình chiến đấu, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng, đến lúc này cần tính toán thế nào cho cụ thể, hiệu quả. Chúng ta không thể cứ lo chống dịch không mà không lo sản xuất. Cho nên phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để luỵ bại”.
Do đó, theo ông Vinh, để khôi phục nền kinh tế, chúng ta cần điều chỉnh và đi vào từ tổng thể đến chi tiết, để vừa bảo đảm an toàn chống dịch, đồng thời bảo đảm dòng chảy nền kinh tế.
Đơn cử, đối với ngành vận tải, Chính phủ nên có lệnh cho tất cả các trạm, chốt trên các tuyến đường vận chuyển hàng hóa nội địa, liên xã, liên tỉnh, quốc lộ, kể cả đường bộ và đường thủy trên toàn quốc miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho các tài xế và người đi theo phương tiện. Việc quản lý mã QR của tài xế cũng lập trình xuyên suốt tại 63 tỉnh thành mà không phải là đơn lẻ mỗi nơi thực hiện một kiểu như hiện nay.
“Các xe tải chở hàng lưu thông trên các tỉnh, thành phố chỉ cần xuất trình mã QRCode tại các chốt vào các tỉnh để lực lượng phòng chống dịch tại mỗi địa phương nắm khi họ đi qua.
Khi chúng ta thực hiện được điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp bớt căng thẳng hơn, hàng hóa được lưu thông tốt hơn, thì nền kinh tế sẽ tự động phục hồi – ông Vinh đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, đánh giá hiện nay, mỗi tỉnh chống dịch 1 kiểu, mỗi nơi đưa ra các bộ quy tắc khác nhau, không có phối hợp nên gây ách tắc - gãy đổ chuỗi cung ứng. Trong khi đó, giao lưu lao động và chuỗi cung ứng giữa TP HCM và 5 tỉnh Đông Nam Bộ rất lớn và khá chặt chẽ. Các tỉnh không an toàn thì TP HCM cũng sẽ ko an toàn. Vì vậy, TP HCM và các tỉnh thành phía Nam nên ngồi lại thảo luận, lập thành 1 kế hoạch chống dịch chung để thống nhất hành động, giảm thiểu lây lan và tái lây lan khi chuyển từ chế độ cách ly xã hội sang giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế” – ông Kỳ nói.
Sự kết nối liên vùng
Liên quan đến sự kết nối nguyên liệu vùng, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho rằng, TP HCM nằm trong mắt xích quan trọng với sự kết nối nguyên liệu vùng. Chẳng hạn, nhiều nhà máy tại khu công nghiệp TP HCM sử dụng hoàn toàn nguyên liệu nông sản từ các tỉnh miền Tây, nguyên vật liệu từ Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại. Thế nên, bàn chuyện mở cửa kinh tế phải tính các tỉnh lân cận, thậm chí khu vực phía Nam – ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, việc đầu tiên là TP HCM cần ngồi lại với các tỉnh để bàn tính mở cửa thế nào cho hợp lý và hiệu quả. Nếu không, khi TP HCM mở thông thoáng hơn cho logisitcs, thủ tục xuất khẩu, nhưng khi vận chuyển hàng nông sản, lúa gạo từ miền Tây lên để xuất đi từ cảng TP HCM không được, do một địa phương nào đó ở tỉnh vẫn đang “bế quan tỏa cảng” thì cũng công cốc – ông Thắng nêu.
Bình luận về cụm từ “bình thường mới” liên quan kế hoạch phục kinh tế cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và truyền thông (IPS), cho rằng: “Bình thường mới” nếu chỉ bó hẹp trong giới hạn địa giới các quận, huyện hành chính là nhìn trên cấp độ sinh hoạt của hộ gia đình, thì đây không phải “bình thường mới”. Bởi, theo ông Đồng, "bình thường mới" phải dựa trên sự vận hành của một hệ thống kinh tế, xã hội. Và với nền kinh tế mở, kết nối toàn cầu như hiện nay, không thể đặt nền móng cho sự mở cửa bắt đầu theo giới hạn hành chính bằng cách thí điểm tại quận, huyện. Mà thay vào đó, phải nhìn trên trên diện rộng bắt nguồn từ 2 yếu tố, cụ thể: Chuỗi giá trị từng ngành và hệ sinh thái của nền kinh tế. Do đó, TP HCM khi mở cửa phải nhìn trên cơ sở liên vùng. Chuỗi cung ứng không giới hạn theo địa bàn hành chính nên phải liên hệ với các vùng, dựa theo đó mới đi vào từng ngành và lĩnh vực cụ thể để bắt đầu mở cửa.
Cụ thể, danh mục ưu tiên mở cửa phải là những đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, thuộc hệ thống lương thực, phực phẩm, chợ, hệ thống sản xuất phục vụ hàng thiết yếu. "Mở cửa như vậy là liên vùng, theo chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu nhập khẩu nguyên vật liệu cho tới logistics, hệ thống phân phối… - ông Đồng nói.
Cũng theo ông Đồng, chúng ta phải tính tới tất cả các nhân tố của chuỗi, từ đó tạo ra hướng dẫn chi tiết cho việc ưu tiên di chuyển, kiểm soát cho tất cả những người tham gia vào chuỗi cung ứng. “TP HCM cần xác định sống chung với dịch là cả tiến trình lâu dài. Biến thể virus, hiệu quả của vaccine với các biến thể là những biến tố bất định, chưa rõ ràng”. Do đó, TP HCM bắt buộc phải dự trù cho những phương án dài hơi, cụ thể:
Một là, nguyên tắc đầu tiên là phải có bảng đánh giá rủi ro tổng quan tất cả các ngành kinh tế, từ tới chi tiết, đặc điểm từng ngành cho tới mối quan hệ giữa các ngành, lĩnh vực.
Hai là, ưu tiên cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đủ điều kiện di chuyển an toàn.
Ba là, kết hợp kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh – vùng cam – vùng đỏ mà TP HCM đang triển khai nhưng không dựa trên giới hạn địa giới hành chính mà mang tính chất liên ngành, liên địa giới.
Bốn là, triệt để 1 đầu mối để áp dụng công nghệ một cách tối đa. Công nghệ sử dụng tốt, nắm được các dữ liệu quan trọng để xây dựng bản đồ dịch bệnh 1 cách hiệu quả và chi tiết thì mới xây dựng được chính sách mở cửa hiệu quả.
Như vậy, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý thì việc “mở cửa” kinh tế TP HCM và các tỉnh phía Nam không thể đặt nền móng và bắt đầu với sự bó hẹp giới hạn hành chính, mà phải nhìn trên tổng thể và liên vùng, bao gồm cả chuỗi giá trị từng ngành và hệ sinh thái của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Ưu tiên đầu tư các dự án mang tính liên kết vùng
13:59, 24/07/2021
TP.HCM cần giải quyết bài toán liên kết vùng để phát triển
15:01, 05/05/2021
Xu hướng quản trị liên kết vùng (Bài 3)
04:00, 02/05/2021
Xu hướng quản trị liên kết vùng (Bài 2)
11:00, 01/05/2021
Sáng tạo thu hút đầu tư liên kết vùng
13:52, 24/03/2021
Thay đổi chiến lược phòng dịch tại TP HCM: Lấy Huyện Củ Chi và Quận 7 làm thí điểm
16:53, 05/09/2021
Sống chung với COVID-19: Góc nhìn từ Thái Lan
05:15, 06/09/2021
Kinh tế số trong đại dịch COVID-19
05:00, 06/09/2021