Sẽ không quá bất ngờ khi tăng trưởng GDP quý III âm

LINH NGA 12/09/2021 03:30

Việc tốc độ tăng trưởng GDP quý 3/2021 ghi nhận giá trị âm sẽ không quá bất ngờ khi hầu hết các cấu thành chính trong GDP đều sụt giảm.

Đó là nhận định được nhóm phân tích CTCP chứng khoán SSI trong báo cáo mới nhất vừa cập nhật.

fd

Ngành sản xuất chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong tháng 8.

Việc thực hiện giãn cách xã hội mức cao nhất trong thời gian dài (hơn 2 tháng đối với TP HCM và các tỉnh Nam Bộ và hơn 1 tháng đối với Hà Nội) đã khiến tất cả các hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn. Số liệu vĩ mô trong tháng 8 phản ánh ảnh hưởng không chỉ còn gói gọn trong khu vực dịch vụ mà đã lan rộng sang ngành sản xuất – chế biến chế tạo.

Ngành sản xuất chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong tháng 8. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 7,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo giảm 9,8% - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất chủ yếu được ghi nhận ở các tỉnh thành phía Nam với IIP giảm tới -23,4%. Các phương án duy trì sản xuất như “3 tại chỗ” hoặc “Một cung đường hai điểm đến” chỉ mang tính tạm thời và thể hiện nhiều bất cập khiến công suất sản xuất của các nhà máy ở phía Nam ở mức thấp – chỉ vào khoảng 10 - 50%. Các nhóm ngành có mức suy giảm mạnh trong tháng 8 đều có sản lượng tập trung chủ yếu ở phía Nam như như đồ gỗ nội thất (- 20,9% YoY), sản xuất thực phẩm (-15,2%), giày dép (-28,3%),...

Xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xuất khẩu ước tính giảm 5,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ, trong đó khối khu vực kinh tế trong nước giảm tới 16,6%. Các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp nội địa đều ghi nhận tăng trưởng âm như thủy sản (-26,1%), gạo (-30,4%), gỗ (-26,9%) và dệt may (-9,2%). Điểm sáng trong xuất khẩu tháng 8 đến từ nhóm ngành sắt thép (+107%) và nhóm ngành liên quan đến hóa chất, cao su và chất dẻo.

Tăng trưởng xuất khẩu khối FDI chỉ giảm nhẹ, - 0,6% nhờ đóng góp tích cực từ xuất khẩu điện thoại (+10,5%) và máy móc, thiết bị (+12,6%) (chủ yếu sản xuất ở khu vực phía Bắc). Ngược lại, nhập khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng hơn 30% trong vòng 5 tháng qua và cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về thâm hụt trong tháng thứ 4 liên tiếp, tạo áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam.

Tiêu dùng nội địa tiếp tục giảm rõ rệt khi giãn cách xã hội kéo dài. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ ước tính giảm tới 39% trong tháng 8 so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,8%). Với việc lệnh giãn cách xã hội sẽ tiếp tục duy trì ở hầu hết các tỉnh thành đến hết 15/9, số liệu bán lẻ trong tháng tới được kỳ vọng cũng không có nhiều diễn biến tích cực.

Lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Lạm phát trong tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước, 2,82% so với cùng kỳ và lạm phát bình quân 8 tháng chỉ tăng 1,79% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Nhóm phân tích SSI cho rằng, áp lực lạm phát trong thời gian tới là chưa lớn, khi nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức yếu. Ngay cả trong trường hợp dịch được kiểm soát và mặt bằng giá tăng nhanh sau đó, Bộ Tài chính ước tính CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 1% so với tháng trước mà vẫn đảm bảo kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Dự báo lạm phát trong năm 2021 ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4% và tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ.

Một điểm sáng khác trong tháng 8 là diễn biến của tỷ giá USDVND. Tính đến thời điểm hiện tại, VND tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực. Trong tháng 8, NHNN đã hạ 225đ/USD đối với tỷ giá mua vào ngoại tệ, xuống mức 22.750đ/USD và chuyển phương thức giao dịch từ mua kỳ hạn sang mua giao ngay.

Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu đã được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối dồi dào, giúp tỷ giá duy trì mức thấp như hiện nay. Tuy nhiên, áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể đã tăng dần khi số liệu không mấy tích cực về cán cân thương mại hàng hóa và giải ngân FDI trong tháng 8 (FDI giải ngân chỉ đạt 1,08 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ).

Diễn biến của VND trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát của dịch bệnh và hồi phục sản xuất tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai (tín hiệu quan trọng để có thể thu hút dòng vốn FDI giải ngân mới). Chính sách tài khóa nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trong và sau dịch.

Trong tháng 8, Chính phủ đã tăng tốc giải ngân nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ dịch bệnh, trong điều kiện cân đối ngân sách vẫn duy trì tích cực (thu – chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm thặng dư gần 83 nghìn tỷ đồng). Ngược lại, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm khi chỉ đạt 41,7% kế hoạch Thủ tướng đưa ra (cùng kỳ là 43,9%).

Tuy nhiên, tương tự như năm 2020, đầu tư công được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh trong quý 4 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế hậu dịch.Trong giai đoạn khó khăn hiện tại của dịch bệnh, chúng tôi không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát. Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 03, bao gồm kéo dài thời hạn trích lập dự phòng, mở rộng phạm vi cơ cấu nợ xấu hỗ trợ cho nhóm ngân hàng và có thể tiếp tục lùi thời gian có hiệu lực của Thông tư quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Nhìn chung, số liệu xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đều chỉ ra động lực tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo vẫn còn mạnh mẽ và sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở khu vực phía Nam hiện tại chỉ mang tính tạm thời. Khả năng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 và các biện pháp nới lỏng giãn cách của Chính phủ sẽ là yếu tố then chốt giúp tâm lý của các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng và nhà đầu tư hồi phục. Quay trở lại quý 3, việc tốc độ tăng trưởng GDP ghi nhận giá trị âm sẽ không quá bất ngờ khi hầu hết các cấu thành chính trong GDP đều sụt giảm, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng.

Có thể bạn quan tâm

  • Đâu là cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam?

    Đâu là cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam?

    11:00, 10/09/2021

  • Làn sóng COVID-19 phủ bóng lên nền kinh tế Việt Nam

    Làn sóng COVID-19 phủ bóng lên nền kinh tế Việt Nam

    04:00, 10/09/2021

  • Hợp tác kinh tế Việt Nam - Bỉ: 3 tỷ Euro cho các dự án năng lượng

    Hợp tác kinh tế Việt Nam - Bỉ: 3 tỷ Euro cho các dự án năng lượng

    21:22, 09/09/2021

  • WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021

    WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021

    20:22, 24/08/2021

  • Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: Mở rộng hợp tác về khởi nghiệp

    Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: Mở rộng hợp tác về khởi nghiệp

    04:23, 11/08/2021

LINH NGA