Khôi phục chuỗi đứt gãy lao động: Nguy cơ “khủng hoảng lao động”
Đó là chia sẻ của PGS. TS. Dương Hoa Xô - Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM xung quanh vấn đề doanh nghiệp có nguy cơ khủng hoảng lao động”.
LTS: Khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất lại nằm ở... nguồn nhân lực.
Làn sóng người lao động về quê sẽ tạo hệ lụy tất yếu là thiếu hụt lao động, khiến doanh nghiệp khó phục hồi năng lực sản xuất, trong khi, việc thu hút lao động trở lại làm việc là một thách thức không nhỏ khi chỉ còn vài tháng nữa là đến tết dương lịch, tết nguyên đán. Doanh nghiệp sẽ khó tuyển dụng mới bù đắp được số lao động đã và đang về quê. Hơn nữa, lực lượng lao động cũ chủ yếu là người đã thạo việc, trong khi người mới, nếu có tuyển được, thường qua đào tạo 6 tháng đến 1 năm.
- Như ông nói, một bộ phận lớn lao động đã di chuyển về quê và nay không thể quay trở lại để làm việc. Vậy, theo ông, doanh nghiệp muốn phục hồi sản xuất cần tính toán nguồn nhân lực ra sao?
Đây là một vấn đề nan giải và đã có nhiều đề xuất từ phía doanh nghiệp thông qua các diễn đàn, Hội nghị… Chính phủ cũng đã có những cuộc họp lắng nghe các ý kiến của Bộ ngành và doanh nghiệp. Hiện TP HCM và các tỉnh thành đang mở cưa trở lại nhưng bài toán giải quyết lao động trở lại làm việc, nhưng theo tôi kế hoạch thực hiện có vẻ như chưa rõ ràng.
Do đó, để thực hiện tốt điều này, trước tiên chúng ta “cần thống kê ngay nhu cầu của các doanh nghiệp có người lao động trở về quê và nên có biện pháp tập trung theo danh sách để xin phép trở lại thành phố.
Tuy nhiên, cần đảm bảo các biện pháp an toàn chống dịch chứ không phải biện pháp rào chắn và ngăn đường giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cần chủ động trong việc xe đưa đón (nếu cần), cũng như đề xuất việc tiêm vaccine đối với lao động trở lại thành phố.
- Hiện các địa phương vẫn có những quy định riêng lẻ đối với lực lượng lao động. Theo ông, để tránh nguy cơ khủng hoảng lao động cho doanh nghiệp, các địa phương cần có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Như đã nói, việc tiêm vaccine cho người lao động là điều kiện “tiên quyết” để các doanh nghiệp hoạt động trở lại và song song đó là các biện pháp phòng chống dịch an toàn đã và đang áp dụng như hiện nay. Tuy nhiên do điều kiện chưa thể tiêm đủ vaccine cho người lao động thì các địa phương cũng phải tính toán đến việc ưu tiên các ngành nghề thiết yếu có hàm lượng công nghệ cao, giá trị sản xuất cao, và yêu cầu ít lao động trước, sau đó mới tính đến các ngành nghề yêu cầu nhiều lao động. Thậm chí, ngay trong một doanh nghiệp cũng cần xem xét ưu tiên từng bộ phận để đảm bảo sản xuất an toàn. Do đó, nếu không giải quyết được bài toàn này thì “nguy cơ khủng hoảng lao động trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ xảy ra”.
- Nhưng đó mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, thưa ông?
Đúng vậy, nếu tình trạng công nhân bỏ việc về quê do tác động của dịch COVID-19 được khắc phục nhanh chóng thì các biến động về nguồn nhân lực chỉ là hiện tượng nhất thời. Nhưng nếu việc hàng trăm nghìn lao động bỏ về quê có tính dài hạn, chắc chắn sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Nguy cơ này cũng nguy hiểm không kém nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất. Để ứng phó, nhiều địa phương cũng đã phối hợp với doanh nghiệp có các chính sách thu hút, đãi ngộ như tăng lương, thưởng và các chính sách hỗ trợ khác…
Nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta cần theo dõi những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động, phân tích, đánh giá và có phương án xử lý ngay từ bây giờ để giảm thiểu cú sốc thiếu hụt lao động khi sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại, mở cửa lại nền kinh tế.
Về lâu dài, đặc biệt là tại TP HCM: Phải xem xét và đánh giá qua đợt dịch này cần tính toán tới việc cơ cấu lại sản xuất với các ngành nghề yêu cầu lao động thấp để có hàm lượng công nghệ cao hơn, cũng như quan tâm lâu dài tới điều kiện sản xuất và đời sống của người lao động trong tình hình mới. Tránh bị động, lúng túng và sản xuất đình trệ như thời gian qua.
- Xin cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm
Tái cấu trúc lao động nông thôn: Thị trường lao động "tê liệt"
03:30, 31/08/2021
Bài III: Thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao?
10:01, 01/05/2021
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: "Hộ chiếu vắc xin" có thể xóa nhòa "sự ảm đạm" của thị trường lao động?
05:00, 01/05/2021
Cần phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế
15:18, 26/04/2021
KINH TẾ CUỐI TUẦN: Thị trường lao động và nỗi "ám ảnh" bóng ma Covid-19
04:30, 18/04/2021