"6 từ khoá" cho chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững cần tập trung 6 từ khóa “Hợp tác-Liên kết-Thị trường-Giảm chi phí–Tăng chất lượng–Đa dạng hoá sản phẩm”.
Cũng đang trong giai đoạn chống chọi với dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp cũng như doanh nghiệp các ngành khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới, thiếu hụt nhân lực…
Phá bỏ 3 “lời nguyền”
Nói như TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Mặc dù nhận định nền nông nghiệp có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng vẫn còn những hạn chế”. Cụ thể như một số mặt hạn chế về trình độ còn thấp so với thế giới; sản phẩm chủ yếu là thô, gia công; nhiều giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu phải nhập khẩu… nên giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh, chưa vào được phân khúc cao của thị trường thế giới…
Về xuất khẩu ra thế giới, chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ, mà nghĩ rằng chúng ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, thương hiệu giá trị gia tăng, phẩm cấp cao là không đúng thực tiễn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp còn dư địa. Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.
Do đó, Bộ trưởng khẳng định chúng ta có niềm tin khi xuất khẩu sẽ đạt 42,5 tỷ USD trong năm 2021 cũng như cán đích mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành 2,5-2,8%, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Đặc biệt với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chủ động của các địa phương, chính là điểm tựa cho các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại.
“Mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỷ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch. Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy, phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm.
Bộ trưởng đồng thời khẳng định đóng góp của nông nghiệp cực kỳ lớn và quan trọng vào nền kinh tế nước ta thời gian qua. Đề cập đến những bước đi của ngành nông nghiệp trong 5 năm tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoa cho biết đó không phải câu chuyện quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.
“Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà phải là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, bản thân xã hội cũng là nguồn lực, bản thân văn hóa cũng là nguồn lực…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau. “Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” tạo ra hạn chế của nông nghiệp; nếu trong giai đoạn bình thường mới, chúng ta tiếp tục “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” thì sẽ mãi là vòng lẩn quẩn giữ chúng ta trong khó khăn.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, phải thay đổi tư duy của người nông dân. Nông dân thời nay đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp và phải có tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực đang rất yếu, chỉ khoảng 4% nông dân có đào tạo về kỹ thuật chuyên môn.
“Khi chúng ta quan niệm rằng, nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp mà là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau khi thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đồng Tháp, ông đã rút ra “6 từ khóa” để ứng dụng cho Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030.
6 từ khóa đó là: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng hoá sản phẩm”.
Thứ nhất, hợp tác là người sản xuất phải hợp tác với nhau. “Không thể để 18,5 triệu hộ nông dân mạnh ai nấy làm, đèn nhà ai nhà nấy sáng. Nếu như vậy sẽ rơi vào cái bẫy gọi là 'giải cứu nông sản'. Khi chúng ta cứ bán cái chúng ta có chứ không phải cái thị trường cần thì vẫn 'sản xuất mù mờ' và sẽ dẫn tới giải cứu nông sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thứ hai, cần phải liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến. Nhưng theo Bộ trưởng, dù sản xuất hay kinh doanh thì phải hiểu tiêu chí thị trường mới là yếu tố quyết định cho sản xuất. Chính vì thiếu liên kết chuỗi nên sản lượng và thị trường không song hành với nhau. Đặc biệt, số lượng nông sản từng thời điểm nếu bị tăng quá cao so với nhu cầu thị trường thì chắc chắn giá sẽ giảm rất sâu, thậm chí không bán được. Không những vậy, thiếu liên kết chuỗi sẽ dẫn tới thiếu niềm tin cho khách hàng.
“Nhiều khi chính người Việt còn quay lưng với nông sản nội địa vì không truy xuất được nguồn gốc, người mua cũng lo liệu sản phẩm nông sản này có thuốc trừ sâu hay không”, Bộ trưởng nêu tâm lý chung. Chính vì vậy việc lấy lại niềm tin trên thị trường là rất quan trọng.
Việc giảm chi phí được Tư lệnh ngành nông nghiệp đặt song hành với việc tăng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. “Hiện tại, chúng ta đang bán thô là chủ yếu, giá trị không cao, tăng chi phí nhiều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc kết.
Cùng với 6 từ khóa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết sẽ có những chính sách để tiếp cận những mô hình nông nghiệp mới như: Nông nghiệp 4.0; nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp trách nhiệm; nông nghiệp cân bằng phát thải…
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh xu hướng tiêu dùng xanh sẽ dần dần chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. “Trước người ta chỉ muốn ăn ngon, sau đó phải vừa ngon vừa sạch nhưng bây giờ xu hướng phải là nông nghiệp xanh, có trách nhiệm… Câu chuyện đó sẽ xoay trục tiêu dùng nông sản. Chúng ta không thể lủi thủi làm theo kiểu cũ được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN&PTNT đang thực hiện ở giai đoạn cuối cùng là tham vấn các tổ chức quốc tế để hoàn thiện trình Chính phủ vào cuối quý IV năm nay.
Theo Bộ trưởng, đây là một chiến lược dài hạn chứ không chỉ là kế hoạch sản xuất chỉ xây dựng hằng năm hoặc 5 năm một lần.
Có thể bạn quan tâm
Khủng hoảng thừa thịt lợn và “gót chân Achiles” của nông nghiệp Việt
05:00, 24/10/2021
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp Việt Nam chưa có tính tự chủ cao
15:07, 26/10/2021
Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo để vượt qua đại dịch COVID-19
02:31, 23/10/2021
Doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh sẵn sàng vượt COVID
15:54, 16/10/2021