Nhận diện các vấn đề trọng tâm trong cải cách giai đoạn 2021-2025
Các chuyên gia cho rằng, cần phải xác định những vấn đề trọng tâm cấp thiết trong cải cách Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Nhiều rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không hề dễ dàng đối với Việt Nam khi trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, cách thức, tư duy điều hành cũng từng bước được điều chỉnh linh hoạt, hướng tới sống chung an toàn với dịch bệnh; từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, tổ chức lại hoạt động sản xuất, tạo điều kiện kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ… Chính phủ vẫn ưu tiên cao nhất trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, qua đó chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, duy trì đồng thuận xã hội hướng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước.
Ở trong nước, dịch bệnh COVID-19 cũng làm trầm trọng hóa những vấn đề cố hữu của Việt Nam trong những năm qua, chẳng hạn như phối hợp, liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy lợi thế kinh tế của vùng, hay giải ngân đầu tư công chậm.
“Đây là năm thứ hai chúng ta phải đối phó với dịch bệnh COVID-19, nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp. Những cụm từ như “lúng túng”, “chưa từng có tiền lệ”… không phải là hiếm thấy”, Viện trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Viện trưởng cũng chỉ rõ, nhiều cải cách đang có dấu hiệu “chạm trần”, thiếu cách làm mới để tạo đột phá. Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập.
Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp; hay một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vừa đi vào thực hiện đã phải sửa đổi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại việc chúng ta đang tập trung quá nhiều vào COVID trong khi những thiệt hại về người và vật chất do biến đổi khí hậu cũng rất lớn. Bà đề xuất các giải pháp nên được mở rộng và gắn với cả biến đổi khí hâu. Bà Lan cũng cảnh báo, COVID-19 đang làm bộc lộ nhiều hạn chế trong quản trị quốc gia.
Không cải cách thì không thể phục hồi được
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng cần lưu ý đến 5 vấn đề lớn. Thứ nhất, trong bối cảnh tăng trưởng chậm, nhiều ý kiến, thảo luận chính sách tập trung hơn vào yêu cầu sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ) để hỗ trợ nền kinh tế.
“Tuy nhiên, tương tác giữa các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế kinh tế được đề cập rất ít, hoặc còn mờ nhạt. Một số cách nói nhấn mạnh trong thời gian gần đây hướng tới đề xuất gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế liệu có gây ấn tượng, hoặc làm giảm sự quan tâm đối với cải cách thế chế kinh tế?”, ông Dương đặt câu hỏi.
Thứ hai, nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế là một nội dung quan trọng. Một câu hỏi quen thuộc đặt ra là: nguồn lực trong dân còn nhiều, cơ chế nào để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh? Vai trò của đầu tư công vẫn rất quan trọng, song làm thế nào để phát huy hiệu quả mà không gây ra tác động “chèn lấn” quá mức đối với đầu tư từ các nguồn khác? “Vậy chúng ta sẽ lựa chọn theo cách thức nào để có cách thức hợp lý nhất”, ông Dương nêu câu hỏi?
Thứ ba, làm thế nào để mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…? Làm thế nào để quyết tâm xây dựng chính sách đi kèm với nhận thức và quyết tâm thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương? Đặc biệt, các hoạt động kinh tế mới cũng đặt ra không ít vấn đề chưa có tiền lệ, vậy thì phối hợp, “phân vai” giữa các bộ cần theo cách tiếp cận, nguyên tắc nào?
Thứ tư, cho đến năm 2015, vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong nước là khá rõ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thể chế kinh tế trong nước vẫn khá chặt chẽ, nhưng vai trò “thúc đẩy cải cách” của hội nhập kinh tế quốc tế có phần suy giảm.
Vậy, trong giai đoạn 2021-2025, làm thế nào để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế tốt, trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững là những yêu cầu lớn?
Cuối cùng, nâng cao năng lực nội tại của Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là rất cần thiết, song cần điều kiện gì để bảo đảm minh bạch, tránh gây méo mó về phân bổ nguồn lực?
“Đặc biệt, làm thế nào để bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam quản trị hiệu quả hơn rủi ro trong chuỗi cung ứng nhất là giai đoạn sau Covid-19, đồng thời vẫn tăng cường năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực?”, ông Dương tiếp tục đặt vấn đề.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lưu ý rằng cần phải xác định những vấn đề trọng tâm cấp thiết cho cải cách thể chế hiện nay.
Theo ông Lực, chúng ta còn rất nhiều dư địa cải cách bởi thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thủ tục hoàn thuế vẫn còn vô cùng phức tạp. Có 4 đến 5 lĩnh vực là nguyên nhân kéo xếp hạng Việt Nam ở mức thấp, trong đó có gánh nặng thể chế của Chính phủ, tính minh bạch, quyền tài sản, thiết chế phục vụ mô hình kinh tế số, cơ sở hạ tầng (đường bộ, sân bay), kỹ năng lao động…
Vị chuyên gia này thẳng thắn, chúng ta đã hô hào quá lâu rồi. “Nhân cơ hội này, Chính phủ nên cải cách về bộ máy”, ông nói. Cũng theo ông Lực, Việt Nam đã lỡ nhịp, vì thế nếu không quyết tâm cải cách quyết liệt, chúng ta sẽ bị tụt hậu.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, mọi quyết sách đặt ra đều nhằm mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam đến đích phát triển bền vững. Tuy nhiên, các giải pháp cải cách phải tạo ra được tác động cả ngắn hạn và dài hạn. Thứ nhất, theo ông Thành, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đang làm. Thứ hai, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thứ ba là phải đột phá trong tư duy và cách thức thực hiện.
Quan sát từ thực tế, TS. Võ Trí Thành cho biết, tiến trình chuyển đổi số hiện nay khác với trước. Nó có thể tạo điều kiện cho Việt Nam đi cùng chứ không phải chạy theo hay bắt kịp với khu vực. “Quan trọng là phải thay đổi tư duy. Chúng ta không nên chỉ bó mình trong tư duy cũ, phải bỏ qua tư duy cũ. Chúng ta không thể nói là mình chỉ có thế, nếu chỉ có thế thì không không đột phá”, vị chuyên gia này khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Tái cơ cấu kinh tế: Cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”
15:00, 30/10/2021
Cơ cấu lại nền kinh tế là việc phải làm ngay
11:00, 30/10/2021
Hôm nay, Quốc hội họp về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế
02:35, 30/10/2021
Cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 2021- 2025: Hướng tới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
15:00, 29/10/2021
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế: Đổi mới cách nghĩ, cách làm
00:00, 13/10/2021