Chương trình phục hồi kinh tế cần có quy mô đủ lớn

MINH CHÂU 11/11/2021 16:05

Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ để có thể trình Quốc hội kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế vào kỳ họp tới.

Chiều 11/11, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ 15h50’ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Các vấn đề được đưa ra chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gồm: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia và Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan đến nhóm vấn đề này. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Tham mưu ban hành những chính sách chưa từng có tiền lệ

Phát biểu trước khi đăng đàn, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kế... Đây là những quyết sách quan trọng và là căn cứ để các cấp, ngành địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Ông Dũng cho biết trước tác động của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ đã chia sẻ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức quốc tế để tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí duy trì sản xuất và góp phần ổn định đời sống người dân khi dịch được kiểm soát.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định các chính sách đã ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh… hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, sớm khắc phục khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Đặc biệt, ông thông tin Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. “Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn bộ tới nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế phải có quy mô đủ lớn

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết đánh giá kinh nghiệm phục hồi kinh tế của thế giới; đồng thời những định hướng lớn trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Đại biểu Ma Thị Thúy.

Đại biểu Ma Thị Thúy.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nước trên thế giới có chính sách, quyết sách nhanh, gói quy mô lớn, chưa có tiền lệ, bất chấp kỷ luật về tài chính. Các nước chấp nhận bội chi ngân sách, tăng nợ công. Nhờ đó sau khi tiêm phủ vắc xin, các nước này đã hồi phục kinh tế rất nhanh. Các nước cũng bỏ ngân sách đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng để kích thích sự hồi phục và phát triển kinh tế.

Về quan điểm chương trình tổng thể phục hồi nền kinh phải có quy mô đủ lớn, phải đảm bảo kinh tế, vi mỗ, hỗ trợ cả cung và cầu cho nền kinh tế. Thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Phải thực hiện chính sách hỗ trợ cả ngắn hạn và dài hạn. Các chính sách phải khả thi bảo đảm, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng vay và trả.

Mục tiêu là phục hồi nhanh và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021- 2025 là 6,5-7%. Thời gian thực hiện trong 2 năm là 2022- 2023.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất bỏ kỳ thi THPT quốc gia: Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói gì?

    15:58, 11/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống

    12:03, 11/11/2021

  • Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội

    04:52, 09/11/2021

  • Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM

    17:23, 08/11/2021

MINH CHÂU