Phục hồi nền kinh tế phải có giải pháp mạnh và thông suốt
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện đang đứng trước yêu cầu khôi phục kinh tế vững chắc trong bối cảnh phải chấp nhận “sống chung với COVID-19”.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” (CIEMB 2021), do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức trong 2 ngày 11-12/11.
Thực tế, những đợt lây nhiễm của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã đặt ra những thách thức và khó khăn to lớn chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Do đó, theo đánh giá các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam phải có nhiều quyết sách để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Thông điệp phải rõ ràng và kiên định
“Để khôi phục kinh tế vững chắc trong bối cảnh phải chấp nhận sống chung với COVID-19, Chính phủ phải đưa ra thông điệp rõ ràng, kiên định với các chính sách mở cửa nền kinh tế từng bước thận trọng nhưng cũng phải nhanh để nắm bắt cơ hội”, PGS.TS. Phạm Hồng Chương nói.
Đặc biệt, các chính sách phải đảm bảo thống nhất trên toàn quốc, nếu mỗi địa phương thực hiện một kiểu như thời gian qua thì sự phục hồi sẽ chậm hơn rất nhiều. Đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhưng PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, phải có giải pháp, quy định chi tiết và đủ mạnh để thực hiện thông suốt, thành một khối thống nhất cho việc thúc đẩy thị trường, doanh nghiệp phục hồi trên toàn quốc.
Làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong thời gian qua Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn để hạn chế sự lây lan bùng phát của đại dịch COVID-19.
Đợt bùng phát lần thứ 4 đã tạm thời lắng xuống, nhiều địa phương đã từng bước nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp và người lao động đang dần quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế hiện đang đứng trước yêu cầu hồi phục kinh tế một cách vững chắc trong bối cảnh chấp nhận “sống chung với COVID-19”.
Tại Hội thảo CIEMB 2021, các nhà khoa học đã trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có những điểm nghẽn của ba vấn đề lớn, đó là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; an sinh xã hội và nguồn lao động.
Và để khắc phục những điểm nghẽn này, nhóm các nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra một số khuyến nghị. Đó là, trong tình hình hiện nay cần quán triệt hai quan điểm cơ bản khi đưa ra các chính sách.
Thứ nhất, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”, thay vì tập trung theo hướng “ứng phó với COVID-19” và chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch. Điều này phù hợp với chiến lược mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thay vì chiến lược “Không COVID-19”.
Thứ hai, do dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch.
Khuyến nghị
Đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các doanh nghiệp, các khu vực khác của nền kinh tế, các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng. Điều này cũng tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội (thông qua doanh nghiệp), đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động.
Về các chính sách tiền tệ:Một là, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, tới đây sẽ là mục tiêu và kế hoạch của năm 2022, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm (12%), nếu không ít nhất cũng phải đạt trên 10%.
Hai là, NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Bởi vì, chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống, đồng thời tang khả năng tạo tiền, tang tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.
Ba là, NHNN nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng đó. Tránh tình trạng nặng nề về thủ tục và can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho để được mở zoom tín dụng.
Bốn là, NHNN chỉ đạo và giám sát các TCTD tiếp tục giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; các TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Năm là, NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo của NH CSXH; đổng thời mở ra chương trình cho vay vốn tạo việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua NH CSXH. NHNN mở rộng kênh tái cấp vốn để NHTM cho vay các Hãng hàng không khác, để NH CSXH cho vay vốn người lao động mất việc làm.
Về chính sách tài khóa: Thứ nhất, ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới. Cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với đối tượng người lao động di cư không có đăng ký và người lao động tự do trong khu vực phi chính thức. Bổ sung các hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn ngân sách cho các đối tượng dễ tổn thương, như người cao tuổi, trẻ em, người yếu thế...
Thứ hai, ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách nhằm hỗ trợ các chi phí phòng dịch, các chi phí tái tổ chức hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ban hành hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán chi phí phòng chống dịch, tái tổ chức sản xuất vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp. Đồng thời dư địa chính sách cũng không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng.
Thứ tư, gia tăng liều lượng, thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách hiện tại về chậm nộp, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội v.v.
Thứ năm, ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Thứ sáu, phối hợp với các chính sách tiền tệ nhằm đàm bảo dòng tiền, khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tầu.
Thứ bảy, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Tập trung tháo gỡ các nút thắt về thể chế và giải phóng mặt bằng trong thực hiện các dự án này. Việc bố trí vốn cần đảm bảo tính tập trung để thực hiện dứt điểm từng dự án.
Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng và nhanh chóng cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong triển khai các gói chính sách hỗ trợ.
Thứ chín, tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành. Các quy trình, giai đoạn thẩm định cần được đơn giản hóa hết mức, đặc biệt là đối với người dân, nhưng tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách.
Về chuỗi cung ứng: Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng và đạt được mục tiêu với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy các chuối cung ứng.
Thứ hai, cho phép doanh nghiệp tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.
Thứ ba, Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn thay cho chuỗi cung ứng dài, thay thế nguồn hàng nhập khẩu nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19.
Đồng thời, chú trọng chuỗi cung ứng ngắn độc lập đáp ứng nhu cầu trong nước song hành với các chuỗi cung ứng dài cho xuất khẩu. Linh hoạt chuyển đổi để hỗ trợ tiêu thụ nông lâm, thủy sản.
Cấp quỹ giống cho cây và con giống nhằm tái tạo chu kỳ kinh doanh mới cho cả chuỗi ngắn và chuỗi dài trong tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Thứ tư, cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.
Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.
Thứ năm, mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ.
Đảm bảo không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về.
Thứ sáu, xây dựng các module sản xuất có khả năng thay thế các khâu, các đoạn của chuỗi cung ứng, linh hoạt ứng phó khi bùng phát tại một số điểm trong chuỗi, tiêu chí các module phải đảm bảo đủ độc lập để không lây nhiễm lẫn nhau và đảm bảo tiêu chuẩn 5K trong phòng chống dịch.
Về an sinh xã hội: Thứ nhất, xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.
Thứ hai, cần xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội vì phạm vi hỗ trợ trong gói thứ hai không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em). Đặc biệt, cần chú trọng tới nhóm trẻ em đã mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19 bởi đây là nhóm bị tổn thương nhiều nhất về cả đời sống vật chất và tinh thần.
Thứ ba, việc xác định lao động tự do bị mất việc rất khó khăn hoặc thiếu căn cứ để xác định nên dễ xác định nhầm hoặc bỏ sót. Vì thế, ngoài việc tăng cường rà soát ở địa phương thì cần tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân (qua thẻ căn cước công dân) để người dân tự đăng ký nhận gói an sinh qua các ứng dụng công nghệ phổ biến để vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả.
Thứ tư, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã được mở rộng và rất cần thiết. Tuy nhiên, nên cân nhắc giảm hoặc miễn đóng hơn là tạm dừng hoặc đóng chậm vì việc phục hồi sản xuất cần có thời gian trong khi gánh nặng đóng vẫn như cũ nếu chỉ tạm dừng hoặc đóng chậm.
Thứ năm, tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động. Cần xem xét triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện “ba tại chỗ” tại các doanh nghiệp qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế.
Cùng lúc đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà cho người dân có nguy cơ hoặc bị nhiễm COVID-19. Triển khai rộng hơn, hiệu quả hơn mạng lưới bác sỹ gia đình. Cần tăng cường hoạt động khám và tư vấn chữa bệnh qua Telehealth cho người dân nói chung và S-Health cho người cao tuổi nói riêng.
Về nguồn lao động: Thứ nhất, tổ chức lao động an toàn: Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, cần thống nhất quy chế phản ứng nhanh trong tình hình COVID-19 giúp doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục, từng bước phục hồi dần hoạt động hiệu suất thông thường.
Thứ hai, tăng cường chính sách an ninh việc làm: cung cấp động lực cho người sử dụng lao động để giữ chân người lao động ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động.
Mục tiêu chính là giữ người lao động theo hợp đồng để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại ngay sau khi các hạn chế được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, bao gồm lịch làm việc luân phiên, trợ cấp tiền lương, giãn thuế và đóng góp an sinh xã hội, và tiếp cận với các hình thức hỗ trợ kinh doanh khác nhau để có điều kiện để giữ chân người lao động.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu lao động: khi dịch bệnh được kiểm soát qua miễn dịch cộng đồng, hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và các chiến lược kết nối thông tin lao động - việc làm liên tỉnh thành cần phải được thiết lập để sẵn sàng để nhanh chóng phân bổ nguồn lao động, hỗ trợ, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt nâng cao vai trò, hiệu quả của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động và doanh nghiệp giữa nhiều địa phương với nhau.
Thứ tư, khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp: Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành cơ chế mới cho phép người lao động trực tiếp đăng ký các khóa đào tạo, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng trình độ sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp mà không cần qua doanh nghiệp.
Thứ năm, chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất.
Chính phủ cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển.
Ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Phục hồi nền kinh tế bằng những gói kích cầu đủ mạnh
05:00, 11/11/2021
Giải pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế
15:30, 05/11/2021
Phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19 ra sao?
14:58, 05/11/2021
Hành trình phục hồi nền kinh tế “lấy lại ánh hào quang”
04:00, 02/10/2021
Phục hồi nền kinh tế sau giãn cách: “3 tại chỗ” bộc lộ nhiều bất cập
11:00, 21/09/2021