7 quan điểm, nguyên tắc xây dựng giải pháp phục hồi kinh tế

NGUYỄN VIỆT 12/11/2021 09:40

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết như vậy tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 12/11.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về cách tiếp cận xây dựng biện pháp khôi phục kinh doanh khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn, như nguồn vốn đứt đoạn, nguồn cung lao động thiếu, chuỗi cung ứng đứt gãy. Vậy, Chính phủ phải có giải pháp vừa tổng thể, vừa ưu tiên trong khi ngân sách còn khó khăn?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 7 cách tiếp cận. Thứ nhất, sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, đó là thích ứng toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả. Từ đó, sẽ chủ động xây dựng các phương án và kịch bản ứng phó.

Thứ hai, xây dựng chính sách theo hướng mở để có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.

Thứ ba, phải vừa hỗ trợ phục hồi nhanh trong ngắn hạn nhưng vừa kết hợp lồng ghép với các chiến lược và kế hoạch 5 năm trong dài hạn.

Thứ tư, các chính sách bảo đảm các mục tiêu cao nhất, phải ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn quốc gia về hoạt động ổn định các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, lạm phát… và phải đảm bảo các mục tiêu.

Thứ năm, các chính sách này phải hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội, lao động, việc làm và phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ sáu, phải phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.

Thứ bảy, phải có một nhóm nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả và phải đạt được mục tiêu đã đề ra trong chương trình. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) về xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro về các cân đối lớn của nền kinh tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ đã xây dựng để tiếp cận hai kịch bản đó là không có và có chương trình phục hồi. Đồng thời xác định mức độ nợ công, bội chi cho từng kịch bản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán về việc sử dụng các công cụ, chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào, khả năng huy động, phân bổ và hấp thụ của nền kinh tế ra sao.

Về quan điểm, thì phải mạnh dạn hơn để phối hợp giữa phát triển kinh tế để phục hồi. Tinh thần chỉ đạo chung là vừa tăng trưởng, vừa tăng quy mô của nền kinh tế, vừa tăng thu ngân sách nhà nước, vừa tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm an toàn về nợ công và bội chi ngân sách.

Bộ cũng xác định công cụ quan trọng nhất vẫn là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến về giá cả, điều chỉnh, điều hành linh hoạt để giảm áp lực lạm phát, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, hóa thiết yếu.

Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và mang tính dẫn dắt để kích hoạt nguồn vốn ngoài nhà nước cùng tham gia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trao đổi về vấn đề chính sách tài khóa và tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống. Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ trên hai mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô.

Với dư địa chính sách, Thống đốc cho rằng, năm 2021, chỉ tiêu đạt lạm phát dưới 4% có thể đạt được nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn. Khi nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.

Các Ngân hàng trung ương trên thế giới hiện cũng giảm dần nới lỏng chính sách, theo tính toán của Thống đốc, đã có 65 lượt tăng lãi suất, tạo áp lực điều hành cho Việt Nam thời gian tới.

Đồng thời, nếu nhìn từ nhiệm vụ thứ hai của chính sách, nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý.

Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống. Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008-2009 vẫn còn, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách từ đầu năm 2020, Thống đốc cho biết, đại dịch đã tác động nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã tích cực thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Ngay từ đầu năm 2020, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất, từ 1,5-2%. "Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực", Thống đốc nói.

Ngoài việc điều hành lãi suất, cơ quan điều hành cũng chỉ đạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm cả với các khoản vay cũ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,66% so với trước dịch, với tổng mức giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng giảm phí hơn 2.000 tỷ đồng cho khách hàng. Bằng việc này đã giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Nới bội chi và nợ công để thúc đẩy tăng trưởng

    18:10, 11/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: COVID-19 làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

    16:48, 11/11/2021

  • Đề xuất bỏ kỳ thi THPT quốc gia: Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói gì?

    15:58, 11/11/2021

  • Mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025: Tập trung phát triển hộ kinh doanh

    17:40, 11/11/2021

NGUYỄN VIỆT