Vì sao nông dân Việt Nam chưa thể giàu có?
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, sông, hồ. Với lợi thế này, nhiều nước có thể “làm giàu” và trở thành cường quốc về biển, nhưng Việt Nam lại chưa khai thác hết thế mạnh đó.
>>Cần thay đổi cách xây dựng kế hoạch ngành nông nghiệp
GS.TS Nguyễn Đình Hương, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ tại cuộc tọa đàm: “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Những vấn đề đặt ra”, do trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức.
GS.TS đặt câu hỏi, vì sao Việt Nam không học hỏi, nghiên cứu công nghệ sinh học từ Israel để áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nước nhà? Tại sao trong tất cả các nghị quyết, chúng ta chỉ nêu ra GDP đầu người, nhưng không thấy đề cập đến chỉ tiêu thu nhập trên 1 ha đất nông nghiệp là bao nhiêu?
Nghèo vì manh mún và thiếu hợp tác
Do đó, ông kiến nghị cần đưa chỉ tiêu này vào nghị quyết để cho tất cả các địa phương có đất nông nghiệp phải tổ chức trồng trọt, chăn nuôi như thế nào nhằm tạo ra thu nhập trên một diện tích ngày càng cao hơn. Cần bổ sung chỉ tiêu, năng suất, thu nhập trên một diện tích cây trồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm: “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Những vấn đề đặt ra”.
“Tôi nghĩ rằng, nếu Bộ trưởng đưa ra chiến lược và chủ trương để huy động các trường đại học, thì có thể thúc đẩy cho nền nông nghiệp trong nước phát triển”, GS.TS Nguyễn Đình Hương đề xuất với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Trao đổi về vấn đề vì sao nông nghiệp Việt Nam kém phát triển, vì sao nông dân Việt Nam chưa giàu mặc dù họ rất cần cù, thông minh, sáng tạo? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan chia sẻ, có người nông dân đã từng hỏi ông, tại sao người nông dân Việt Nam chịu thương chịu khó, “chân nấm tay bùn” mà sao mãi vẫn nghèo so với người nông dân của Nhật Bản, Thái Lan...
Bộ trưởng rất trăn trở về câu hỏi và sau nửa tháng suy nghĩ, Bộ trưởng đã xuống đối thoại cùng người nông dân này. Theo Bộ trưởng, sở dĩ con đường thành công của nông dân Nhật Bản hay Thái Lan không chỉ có cần cù và thông minh. Người nông dân Việt Nam có thể làm được như họ thậm chí hơn, cái gì người Việt Nam cũng đều có thể làm được, không chịu “thua kém” ai trên thế giời này.
GS.TS Nguyễn Đình Hương.
Nhưng chúng ta có một “bi kịch”, đó là thế mạnh “bản năng” không chịu hợp tác với nhau. Trong khi mật độ dân số của Việt Nam cao gấp 3 lần Thái Lan, gấp 4 lần Myanmar, thậm chí còn cao hơn Trung Quốc. Mật độ dân số đó chứng tỏ rằng đất nông nghiệp của Việt Nam manh mún. Và gấp 100 lần nước Mỹ, bởi nước Mỹ có những cánh đồng trồng ngô với diện tích trải dài từ 50.000 -70.000 ha “thẳng cánh cò bay”.
Còn Việt Nam chỉ trồng mấy cây ngô nhỏ lẻ và manh mún như trên Yên Bái thì làm sao có thể cạnh tranh được về giá. Kinh tế học đã chứng minh, muốn cạnh tranh về giá thì phải dựa vào quy mô, quy mô càng lớn thì chi phí càng giảm.
Do đó, để thành công, ngoài lạc quan còn phải biết hợp tác với nhau, chia sẻ cùng với nhau, sẽ không bao giờ thành công nếu làm việc đơn lẻ. Cho dù có tài giỏi đến mấy nhưng không có sự hợp tác thì không thể tạo ra sức mạnh.
“Tôi cũng không biết có cách gì để giúp người nông dân trở nên giàu có khi chỉ với mấy sào ruộng như hiện nay”, Bộ trưởng bày tỏ.
Định hướng phải đi liền với giải pháp khả thi
Trăn trở trước thực trạng này, Bộ trưởng đã tạo ra “sân chơi” cho người nông dân với 120 Hội quán nông dân ở Đồng Tháp, để giúp người nông dân cùng ngồi lại với nhau, hợp tác với nhau. Thành công không chỉ có tri thức, kỹ năng, 80% sự thành công trong sản xuất bắt đầu từ niềm tin, sự hợp tác, chia sẻ cùng nhau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với Ban giám hiệu trường đại học Kinh tế quốc dân.
Bình luận về thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay của Việt Nam, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh còn thấp. Ngành nông nghiệp đang sản xuất theo khả năng mà chưa xuất phát từ nhu cầu.
Năng lực, trình độ của người sản xuất hàng hóa ở nông thôn còn yếu, sản xuất manh mún, phân tán. Qua tìm hiểu thông tin, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn được biết hiện nay có 8 triệu hộ canh tác trên 70 triệu mảnh ruộng khác nhau. “Như vậy, khoa học công nghệ nào mà vào được trong bối cảnh đó”, GS,TS. Nguyễn Kế Tuấn nói.
Từ thực tế này, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn đã dẫn lại lời của ông Nguyễn Quốc Cường cách đây hơn 5 năm, khi ông đang là Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam có nói về 5 cái “nhất” của người nông dân hiện nay.
GS.TS Nguyễn Kế Tuấn.
Thứ nhất, đông nhất. Thứ hai, hy sinh nhiều nhất. Thứ ba, nghèo nhất. Thứ tư, nhiều bức xúc nhất. Thứ năm, hưởng lợi từ thành quả của công cuộc đổi mới ít nhất.
“Không biết cho đến ngày hôm nay, 5 cái nhất đó vẫn còn hay đã mất đi được cái nào hay chưa”, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn băn khoăn.
Nhắc lại câu chuyện này, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn đánh giá, xác định định hướng cần nhưng xác định các giải pháp khả thi, thích ứng với điều kiện thực tế và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt những giải pháp đó mới là điều kiện đủ. Trong khi hiện nay những điều kiện đủ đó của chúng ta vẫn còn đang thiếu.
Có thể bạn quan tâm