Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài
Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn "bạo bệnh".
>>Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Bình thường mới" cần thể chế mới!
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ngày 5/12.
So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước.
Tập trung chính sách tài khóa
Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do đó, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.
Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. Nhưng, TS Võ Trí Thành cho rằng, sự đồng hành của Quốc hội nên thể hiện qua các kỳ họp bất thường, thay vì hai kỳ họp đầu và cuối năm thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội.
Việc tổ chức kỳ họp bất thường, theo ông Võ Trí Thành có thể sẽ phải được Quốc hội thực hiện ít nhất trong 5 năm tới, do tình hình thế giới còn bất định, nhiều bất ổn và rủi ro hiện nay.
Do quá trình thực hiện phải tuân thủ quy trình, thủ tục được luật định nên việc chuẩn bị và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội phải rất nhanh. “Nhưng đáng tiếc Chương trình phục hồi tổng thể này được nghĩ đến từ cách đây một năm, song đến nay mới được đưa ra xem xét, quyết định", TS Võ Trí Thành nói.
Nhấn mạnh đặc điểm độ trễ trong và độ trễ ngoài khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ở nước ta đều dài. Chính sách tài chính và ngân hàng đều mất từ 6 - 8 tháng mới có thể triển khai. Do vậy, TS Võ Trí Thành đề nghị, cần có khung pháp lý để hệ thống ngân hàng thương mại "có thể và dám làm việc hỗ trợ lãi suất".
Tất nhiên, sự hỗ trợ lãi suất này phải trên cơ sở sự tường minh trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Nhà nước. Bởi, thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn có ngân hàng thương mại chưa quyết toán được.
Chỉ rõ về độ nhạy của các thị trường, thu nhập và tiêu dùng của người dân mỗi khi chính sách mới được ban hành, TS Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách.
Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện. “Bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách cũng thông báo nhanh chóng với thị trường”, TS Võ Trí Thành nêu rõ.
Thực tế cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát.
Phân tích trên bối cảnh hiện nay của Việt Nam, TS Võ Trí Thành lưu ý, điều chỉnh chính sách tài khóa tác động đến lạm phát không nhiều, song sẽ ảnh hưởng ngay đến lãi suất cho vay. Điều này cũng phù hợp với việc các quốc gia trên thế giới sẽ thu hẹp việc nới lỏng tiền tệ, gói hỗ trợ. Để thu hút nguồn lực thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế, như cho các định chế tài chính mua trái phiếu, TS Võ Trí Thành tán thành việc "có thể suy nghĩ nới các chỉ tiêu bội chi, nợ công".
Tại phiên thảo luận, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh một vấn đề hết sức được quan tâm, đó là việc phân bổ nguồn lực vào đầu tư công, y tế, doanh nghiệp… "Đó là sử dụng gói hỗ trợ. Nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu, có tiền mới thực hiện được gói hỗ trợ. Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng, không có tiền, không giải quyết và thực thi được gói hỗ trợ", ông Phước nói.
Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn Phước nêu quan điểm nên ưu tiên việc huy động vốn thị trường trong nước. Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.
>>Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là cần thiết
Tham khảo kinh nghiệm các nước về việc NHTW vừa mua trực tiếp trái phiếu Kho bạc vừa tiến hành hoạt động Repo (mua đi, bán lại trái phiếu), theo ông Phước nên xem xét việc NHNN mua trái phiếu Chính phủ, vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: Bơm tiền (mua TPCP), Hút tiền (bán TPCP) cho các tổ chức tín dụng.
"Khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi mà lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm", ông Phước nêu quan điểm.
Ông Phước cho rằng, gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết. "Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn "bạo bệnh" và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn", ông Phước bình luận.
Về chính sách, ông Phước kiến nghị Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. "Lạm phát trong khoảng 3-5 năm (dù có năm cao năm thấp) nhưng bình quân dưới mức 4% là được", ông Phước nói.
Nhấn mạnh sự cần thiết gói hỗ trợ, song PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) cũng nhấn mạnh gói hỗ trợ cần có kế hoạch kịp thời, đẩy mạnh khả năng giải ngân. Thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư công. Đặc biệt cần gắn liền chính sách kinh tế với y tế. Theo đó, cần cụ thể hóa các kịch bản y tế để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp. "Doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư vì cảm giác không chắc chắn", ông Cường nói.
Tại diễn đàn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH đoàn TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng có đề xuất cụ thể về cơ cấu gói hỗ trợ kinh tế-xã hội. Một là, cần dành nguồn lực cho y tế, để họ sẵn sàng và nhanh nhất, chậm vaccine 1 ngày là đánh vào sức khỏe nhân dân. Đồng thời nâng cao cải thiện thu nhập đội ngũ y bác sỹ.
Hai là, một gói hỗ trợ mang tầm diện rộng nhiều ngành người dân được thụ hưởng, theo đó cần thiết có gói an sinh xã hội. Ngoài ra cũng cần có gói đầu tư công, ưu tiên cho đường cao tốc, hạ tầng số…
Cũng theo đề xuất của ông Ngân, cần đầu tư hơn nữa vào các đầu tàu tăng trưởng, tạo động lực, tăng thu ngân sách để trả nợ. Cụ thể, ông Ngân cho rằng cần đầu tư vào Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh thành với kinh phí 93.000 tỷ đồng.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, ông Ngân cho rằng nên triển khai 3 loại hỗ trợ. Thứ nhất, hỗ trợ phi tiền tệ, tháo gỡ về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp như kéo dài việc miễn giảm thuế phí. Thứ ba, gián tiếp thông qua hỗ trợ lãi suất, với quy mô 1 triệu tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2%, kéo dài 2 năm, tổng vốn là 40.000 tỷ đồng, tập trung ưu tiên ngành có khả năng hấp thụ vốn.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phải tự cường đứng trên đôi chân của mình!
21:10, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Bình thường mới" cần thể chế mới!
18:02, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tăng cường giám sát “từ xa, từ sớm” các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế
15:53, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Loạt kiến nghị của chuyên gia quốc tế
14:51, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Quán triệt hai quan điểm khi đưa ra chính sách
14:17, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 666.000 tỷ đồng
12:47, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tạo đột phá cho đầu tư công
12:21, 05/12/2021
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 gợi ý những hàm ý chính sách
10:58, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Chính sách phải xuất phát từ “hơi thở” cuộc sống!
10:12, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Việt Nam cần có gói hỗ trợ đặc biệt để không bị lỡ nhịp"
08:55, 05/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Đòn bẩy" phục hồi!
05:29, 05/12/2021