Nội lực trong tái cơ cấu nền kinh tế
Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được đặt trong bối cảnh đặc biệt hơn cả và bối cảnh đặc biệt này cũng sẽ mở ra cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội.
>>“Hạt nhân” tái cấu trúc giai đoạn 2021-2025: Nâng chất và lượng doanh nghiệp
Bà Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp cho rằng, tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới cần chú trọng huy động nguồn lực nội tại bằng tư duy “mở” cho vấn đề này.
Nhìn lại các kế hoạch Tái cơ cấu trước đó, bà Nga nhấn mạnh kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được đặt trong bối cảnh đặc biệt hơn cả và bối cảnh đặc biệt này cũng sẽ mở ra cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội.
- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về bối cảnh đặc biệt này?
COVID-19 bất ngờ ập đến đã làm chao đảo tất cả các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh đã làm thay đổi tất cả, rất nhiều những thách thức đặt ra nhưng cũng đi kèm với đó là cơ hội mà nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt.
Trong đại dịch, nền kinh tế thế giới chứng kiến sự đứt gãy về chuỗi cung ứng, bên cạnh đó là quá trình chậm lại của toàn cầu hóa và ưu tiên khu vực hóa; công cuộc chuyển đổi số, phát triển công nghệ đang được đẩy mạnh một cách “thần tốc”, thế giới và khu vực hình thành chuỗi giá trị mới.
Sau đại dịch, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự đứt gãy về chuỗi cung ứng, bên cạnh đó là quá trình chậm lại của toàn cầu hóa và ưu tiên khu vực hóa với sự chuyển dịch trong chuỗi giá trị toàn cầu hết sức rõ ràng.
Song song với đó, công cuộc chuyển đổi số, phát triển công nghệ đang được đẩy mạnh một cách “thần tốc”. Trong bối cảnh đó, trên thế giới và trong khu vực hình thành chuỗi giá trị mới mà chúng ta đặc biệt phải quan tâm. Quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá đang có nhiều thay đổi. Kinh tế vĩ mô còn nhiều tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm phát cao.
- Trong bối cảnh đặc biệt như thế, sẽ có những bài toán như thế nào được đặt ra khi thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới, thưa bà?
Trong bối cảnh đặc biệt này, muốn thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu, chúng ta sẽ có 4 vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất là việc xây dựng các mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số. Đây là xu hướng không thể đảo ngược của nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, các chính sách của Chính phủ phải dành sự ưu tiên nhất định cho khu vực này, để khu vực này phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Thứ hai, cần nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị và tương tác về nguồn lực lao động.
Thứ ba là tái cơ cấu kinh tế phải được thực hiện trên chiều sâu, việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế phải dựa trên thứ tự ưu tiên đối với việc phát triển từng lĩnh vực ngành nghề.
Theo đó, cần phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin.
Với vấn đề phân bổ lại nguồn lực, tôi cho rằng thời gian tới thay vì tập trung đầu tư dàn trải cho các vùng, chúng ta nên tập trung đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm. Cùng đó, nên tập trung ưu tiên cho các ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, ví dụ như ưu tiên ngân sách để nâng cao năng lực y tế, phát triển các ngành năng lượng sạch.
>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới
Với vấn đề ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, các công ty công nghệ hiện chiếm đến 90% trong top các công ty có vốn hoá lớn nhất trên thế giới, khác hẳn với 10 năm trước đây. Do đó, đây là vấn đề quan trọng cần phải nhấn mạnh trong thời gian tới.
Cuối cùng là thể chế. Đây là vấn đề không hề mới và môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều thay đổi nhưng còn quá nhiều vấn đề cần phải nói. Công bố của Ngân hàng Thế giới vào tháng 11/2021, cho thấy vị thế của Việt Nam đã giảm 2 năm liên tiếp dù điểm về chỉ số đã tăng lên. Điều này cho thấy các nước đang đi rất nhanh và nhanh hơn rất nhiều so với chúng ta. Do đó, vấn đề của cải cách thể chế môi trường kinh doanh trong thời gian tới không phải là trên giấy tờ mà là bằng hành động cụ thể từ phía nhà nước để doanh nghiệp thực sự có được một thể chế đủ tốt để yên tâm phát triển.
- Nhìn ở góc độ quốc tế, bà có chia sẻ gì về quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Và làm thế nào để có thể giải được bài toán cho những khó khăn như bà nói ở trên?
Đại dịch COVID-19 bắt buộc các nền kinh tế kể cả các nước phát triển phải tái cơ cấu để thích nghi với giai đoạn mới.
Do đó, ở góc độ quốc tế, tôi cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế phải được đặt trong tương quan định hướng phát triển với các nước trong khu vực và các quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia tương đối sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành, các mạng lưới sản xuất khu vực và quốc tế nên thời gian tới phải xem xét mục tiêu tái cơ cấu của các nước lân cận để quyết định tăng lợi thế cạnh tranh hay hợp tác với các nước.
Với bối cảnh hiện tại, khi đại dịch COVID vẫn còn những diễn biến phức tạp, việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như y tế công và khai thác tiềm năng dược phẩm của mỗi nước thông qua việc chia sẻ công nghệ, bí quyết và quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề đặt biệt quan trọng bởi khả năng phục hồi nền kinh tế sẽ dựa trên tốc độ kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới của khu vực và quốc tế : chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.
Cuối cùng, cơ cấu nền kinh tế phải được thực hiện với định hướng rõ ràng về cấu trúc ngành ưu tiên theo từng giai đoạn nối tiếp. Tái cơ cấu nền kinh kinh tế sau khủng hoảng phải được thực hiện bằng việc huy động nguồn lực nội tại. Trước hết là tận dụng nguồn lực về tài chính trong dân, lượng tiền bơm vào nền kinh tế nằm rải rác trong dân. Việc đẩy được lượng tiền này vào lại nền kinh tế là cực kì cấp bách cho việc phục hồi kinh tế.
Xin được ví dụ cụ thể về nước Pháp, tại đây, người dân tiết kiệm thêm 160 tỉ Euro từ đầu 2020 đến cuối 2021, ước tính nếu 20% số tiền tiết kiệm này đã được đầu tư thì tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể sẽ là 6%, thay vì 4,3% như dự tính của quốc gia này.Giải pháp tiếp theo là tăng cường phục vụ thị trường nội địa. Bài học về đứt gãy các chuỗi cung ứng do đại dịch dẫn đến xu thế toàn cầu hóa chậm lại, nhường chỗ cho xu thế địa phương hóa từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, sử dụng tích cực công cụ thuế và đòn bẩy tài chính để định hướng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tái cơ cấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Việt Nam. Ngoài ra, cần phát triển từ nội lực, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển sức mua nội địa (đại dịch cho thấy những mối đe dọa từ việc phụ thuộc vào chi tiêu nước ngoài và cung cấp lao động giá rẻ).
Đồng thời, cần tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, cần ưu tiên ngành trong tương quan với khu vực và quốc tế, tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Cuối cùng, xin được hỏi cụ thể hơn ở góc nhìn của doanh nghiệp. Trước ngưỡng cửa chuyển dịch và tái cơ cấu nền kinh tế trong nước và quốc tế, doanh nghiệp sẽ ở đâu và sẽ phải làm gì trong Chiến lược tái cơ cầu nền kinh tế giai đoạn này, thưa bà?
Doanh nghiệp đương nhiên sẽ là trọng tâm trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Về phía Chính phủ, thời gian tới, các chính sách được ban hành cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện tối đa để khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển và ngày càng lớn mạnh, từ đó, trở thành bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, với doanh nghiệp cần tìm cách gỡ nút thắt của ngành hoạt động như: vốn, công nghệ, lao động, tập trung vào khả năng thích ứng và khả năng chống chọi của doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, theo khu vực cạnh tranh, hợp tác, đón xu thế trong nước và quốc tế, xu thế ngành và chuỗi giá trị, xu thế công nghệ, xu thế chuyển dịch vốn và lao động.
Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Gắn trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp
00:46, 20/12/2021
TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Khơi thông dư địa cho phương thức PPP
00:39, 20/12/2021
“Hạt nhân” tái cấu trúc giai đoạn 2021-2025: Nâng chất và lượng doanh nghiệp
11:00, 16/12/2021
TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp
00:00, 16/12/2021
TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Doanh nghiệp cần đặt mình trong vai trò chủ động
12:26, 15/12/2021
Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025
03:00, 15/12/2021