Giảm thuế giá trị gia tăng còn 8%: Kích thích song song sản xuất và tiêu thụ

THY HẰNG 29/01/2022 15:30

Chuyên gia đánh giá, việc giảm thuế GTGT 2% sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía hai phía là sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô.

>>>Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 hỗ trợ tiêu dùng tư nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% kỳ vọng kích cầu tiêu dùng.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% kỳ vọng kích cầu tiêu dùng.

Giảm 2% thuế GTGT

Theo đó, từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12, thuế giá trị gia tăng các hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống còn 8% để hỗ trợ người dân gặp khó khăn cho dịch COVID-19, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển.

Nghị định 15 cũng cụ thể hoá quy định cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 1/2 đến hết năm 2022, áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.

Theo Bộ Tài chính: "Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng với các mặt hàng hóa, dịch vụ có thuế suất mức 10%, không phân biệt phương pháp tính thuế của tổ chức hay cá nhân áp dụng theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp tốt lệ % trên doanh thu".

"Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân" - Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị.

Để đảm bảo việc giảm thuế đúng quy định và chính sách giảm thuế đến đúng đối tượng thụ hưởng là người mua hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trực tiếp trên hóa đơn. Còn cơ sở kinh doanh gồm cả hộ và cá nhân kinh doanh... áp dụng phương pháp khoán sẽ giảm 20% mức tỉ lệ để tính thuế trên hóa đơn.

Trường hợp người bán lập hóa đơn mà chưa giảm thuế suất giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót. Đồng thời, người bán phải lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn có giảm thuế cho người mua.

Về tác động ngân sách, Bộ Tài chính dự kiến chính sách nêu trên ước giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 49.400 tỉ đồng.

Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Trước đó, tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) từng đưa ra khuyến nghị: "Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân".

>>>Gói hỗ trợ miễn, giảm thuế năm 2022 dự kiến quy mô 60.000 tỷ đồng

>>>Doanh nghiệp kiến nghị kéo dài thời gian giảm thuế theo Nghị quyết 406

Tác động nhanh chóng và lan toả

Nhận định về tác động của chính sách này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng có giá trị thực tế rất cao.

từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12, thuế giá trị gia tăng các hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống còn 8%.

Từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12, thuế giá trị gia tăng các hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống còn 8%.

Việc ban hành và áp dụng chính sách ngay lập tức cũng ảnh hưởng ngay đến đời sống người dân. “Chính sách nào đưa ra mà không tạo ra gánh nặng sẽ đi ngay vào cuộc sống, ngoài ra, khi chính sách này không tạo ra nhiều điều kiện với đối tượng áp dụng thì sẽ phát huy tác dụng rất nhanh”, ông Thành nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT với nhiều mặt hàng đang chịu mức thuế suất 10% sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường.

Theo đó, nhà sản xuất và phân phối sản phẩm sẽ không phải tăng giá bán trong bối cảnh sức ép về chi phí gia tăng.

Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu trong bối cảnh chịu sức ép giảm thu nhập, qua đó có điều kiện tốt hơn để tiếp tục chi cho nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày. “Khả năng tiêu thụ theo đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và thực tế với chính sách này”, ông Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, chính sách giảm thuế GTGT sẽ góp phần kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu, gồm: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía hai phía là sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng; ôn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trước đó, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vừa diễn ra đầu tháng này, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy định giảm thuế giá trị gia tăng; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định 15 quy định áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 hỗ trợ tiêu dùng tư nhân

    11:00, 14/12/2021

  • Quy định về doanh thu tính thuế giá trị gia tăng còn mâu thuẫn

    04:00, 20/11/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Miễn giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng

    03:05, 08/10/2021

  • “Thuế giá trị gia tăng làm khó doanh nghiệp BOT”

    21:01, 13/08/2021

THY HẰNG