Những thách thức của kinh tế Việt Nam 2022

LINH NGA 31/01/2022 11:00

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, năm 2022, bên cạnh những thuận lợi, những kỳ vọng thì chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

>>Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới

gf

Bên cạnh những thuận lợi, những kỳ vọng và hi vọng về sự phục hồi và phát triển của một số lĩnh vực thì chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Với bài toán về phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam sẽ phải đối diện với những thách thức gì trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2022? Trả lời cho câu hỏi này, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế chia sẻ rằng, năm 2022, bên cạnh những thuận lợi, những kỳ vọng và hi vọng về sự phục hồi và phát triển của một số lĩnh vực thì chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Thách thức lớn nhất và đầu tiên vẫn là dịch bệnh.. Dịch đã kéo sang năm thứ 3, cái khắc nghiệt của dịch bệnh chính là sự bất định và không thể dự đoán. Nó không dừng lại mà liên tục biến đổi với các biến thể mới và không ai xác định được hướng đi của dịch hay khẳng định được liệu dịch có giảm đi hay lại nặng nề hơn. Do đó, thách thức đầu tiên sẽ tiếp tục bao trùm năm 2022 chính là dịch bệnh và tác động của nó tới tổng thể đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Thách thức thứ hai không kém phần quan trọng là kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của chúng ta ở mức 6-6,5% thậm chí hơn nếu có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là việc kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Rất nhiều các nước đang phải đối diện với lạm phát, thậm chí 200-300%. Điều đó dẫn đến khả năng chúng ta “nhập khẩu” lạm phát như đã trao đổi ở phần trước, nhất là khi nền kinh tế nước ta đang có độ mở khá lớn.

Một số nước trên thế giới đang có những thay đổi, thậm chí đảo chiều về chính sách. Thay vì nới lỏng tiền tệ, tài khóa, chấp nhận tăng nợ công để vượt qua, phục hồi trong bối cảnh đại dịch thì rất nhiều nước xem xét và tiến hành thắt chặt lại các chính sách này. Cụ thể như đã tăng lãi suất, hạn chế bớt thâm hụt  ngân sách, đi đôi với giảm quy mô nợ công. Việc đảo chiều chính sách đó ở các cường quốc trên thế giới chắc chắn cũng sẽ tác động tới Việt Nam chúng ta cả về chính sách và diễn biến đầu tư, tài chính, kinh tế. Đây là một thách thức cần lưu ý khi ta vẫn hướng vào xuất khẩu như một trụ cột kinh tế quan trọng, vẫn hướng vào thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhóm thách thức thứ ba cần lưu ý là khi thực thi gói hỗ trợ phục hồi và phát triển thì lĩnh vực chứng khoán, bất động sản nếu không có biện pháp phù hợp có thể dẫn đến lạc hướng các dòng tiền, đặc biệt các dòng tiền không được kiểm soát tốt. Điều này sẽ có thể thổi to bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán. Hệ quả là nổ bong bóng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi còn khá yếu ớt như hiện nay thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Do đó, ta cần hạn chế ở mức thấp nhất khả năng xảy ra bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán. Gắn với bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán là thách thức trên thị trường tài chính mà cụ thể là thị trường tín dụng, vấn đề nợ xấu cả ở DN, hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do dịch không trả được nợ và cả nợ xấu do thôi thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ mà không chuyển lại nợ,…Từ đó làm bức tranh nợ xấu nghiêm trọng hơn.

Gần đây, ngành tài chính đã có những chỉ đạo chấn chỉnh, lập lại trật tự trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt rủi ro liên quan đến thị trường tài chính.

Nhóm rủi ro thứ tư có thể sẽ hủy hoại nền kinh tế trong quá trình phục hồi đó là thực hiện không nghiêm túc tinh thần của Nghị quyết 128 với một số dấu hiệu như nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, có thể đâu đó quay lại các biện pháp cách ly xã hội, các biện pháp phong tỏa như một số địa phương đã thực hiện trong năm 2021 mang lại những tác động vô cùng tiêu cực. Điều này có dẫn đến các rủi ro về cát cứ, chia cắt, làm mất đi, làm giảm đi tính thống nhất của thị trường, từ các yếu tố đầu vào, đầu ra, đến yếu tố nguồn lao động, dòng vốn, tiêu thụ,… Những biện pháp làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn là rủi ro còn tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự quyết tâm, kiên định của chúng ta trong vấn đề thực hiện tinh thần Nghị quyết.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới

    Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới

    05:00, 25/01/2022

  • Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022

    Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022

    04:30, 02/01/2022

  • Những chỉ báo nào cho triển vọng kinh tế 2022?

    Những chỉ báo nào cho triển vọng kinh tế 2022?

    19:44, 01/01/2022

LINH NGA