Lỗ hổng trong hệ thống cung ứng xăng dầu
Từ xáo trộn đến “căng thẳng” xăng dầu vừa qua bắt nguồn từ các “ông” đầu mối. Bởi họ có dự trữ nhưng “không chịu” bán ra.
>>Kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu: Đừng "giơ cao đánh khẽ"
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh khi chia sẻ với DĐDN về sự căng thẳng giá xăng dầu thời gian qua.
- Cùng với việc thanh tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đang thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Tuy nhiên, dư luận đang chờ kết luận thanh tra từ các đầu mối vì cho rằng đây mới là “cá lớn” trên thị trường. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, kể cả việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất thì cũng không ảnh hưởng đến cung xăng dầu trong nước. Bởi trên thực tế, nguồn dự trữ xăng dầu trong nước theo đúng quy định của nhà nước là phải dự trữ đến 20 ngày.
Do đó, không có lý do gì để xăng dầu trong nước bị thiếu hụt, thậm chí có thể nguồn tiêu thụ có thiếu một chút thì cũng có thể lấy từ kho dự trữ, vì nguồn cung đã có từ trước.
Những tháng vừa qua nói thiếu xăng dầu là do giảm từ Nghi Sơn. Tuy nhiên, nếu các đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng kho dự trữ thì thị trường cũng đâu có bị xáo trộn.
Các doanh nghiệp phân phối thì có thể thiếu vì chưa nhập được hàng, nhưng tôi khẳng định với các đầu mối thì không thể thiếu xăng dầu.
Nguyên nhân chính của việc “thiếu hụt” vừa qua là do điều chỉnh giá xăng dầu chậm, cho nên các doanh nghiệp phân phối và đầu mối “lo ngại”. Điều này ai cũng nhìn thấy.
Tuy nhiên, từ xáo trộn đến “căng thẳng” xăng dầu vừa qua bắt nguồn từ các “ông” đầu mối. Bởi họ có dự trữ nhưng lại “không chịu” bán ra.
Do đó, việc thanh kiểm tra các đầu mối kinh doanh xăng dầu là để xem có đúng họ đang giữ lại lượng xăng dầu lớn nhưng không bán ra, hay dự trữ không đầy đủ theo quy định dẫn đến thiếu hàng.
Thực tế, từ trước đến nay chưa có một doanh nghiệp đầu mối nào bị xử phạt về quy định có đáp ứng dự trữ đủ 20 ngày hay không.
- Như vậy, theo ông việc thị trường xăng dầu diễn biến như thời gian qua là do chủ quan trong khâu quản lý và điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước?
Vấn đề nằm ở khâu điều hành chưa tốt nên đưa đến hệ lụy trên. Do không điều chỉnh giá kịp thời theo giá thế giới, đẩy tình trạng các đầu mối găm hàng, vì càng bán càng lỗ. Từ đây đã dẫn đến việc các doanh nghiệp cả phân phối lẫn đầu mối có tâm lý “nghe ngóng” và “chờ đợi”.
Bên cạnh đó, khi nghe Nghi Sơn thông báo giảm sản lượng thì các cơ quan quản lý nhà nước phải có chỉ đạo ngay đến các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu xăng dầu lên để bù cho lượng thiếu hụt từ Nghi Sơn. Qua đây cho chúng ta thấy sự thiếu linh hoạt trong điều hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
>>Cần kíp giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu
- Từ những bất cập trên cho thấy, việc thanh tra, phạt vi phạm hành chính các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ là giải pháp bề nổi khi không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Đó là, nếu đầu mối không giao hàng nhỏ giọt, chi lợi nhuận đầy đủ… thì các cây xăng đâu có lý do để hết hàng, có đúng như vậy không, thưa ông?
Đúng như vậy. Tất nhiên, lợi nhuận chỉ là một phần, vấn đề chính là thời gian điều chỉnh không đúng thời điểm đã làm giá bán bị thấp hơn giá nhập một cách đáng kể. Khi đó, càng bán ra thì càng bị thua lỗ.
Như vậy doanh nghiệp làm sao còn lợi nhuận. Doanh nghiệp sẵn sàng chịu bị phạt chứ không thể cố bán dù biết cầm chắc thua lỗ. Nói một cách sòng phẳng, một người làm kinh doanh sẽ không ai nhìn thấy càng bán càng lỗ mà vẫn làm một cách vô tư và mạnh mẽ.
- Vậy, để thị trường không xáo trộn vì giá xăng dầu thì ông có đề xuất gì?
Thứ nhất, chúng ta phải có kho dữ liệu về giá xăng dầu thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước, để từ đó biết được sự biến thiên vận động của giá xăng dầu trong các điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện khủng hoảng.
Đặc biệt, với xăng dầu trong nước phải nắm bắt được yêu cầu xăng dầu của từng tháng, và có hệ thống bằng số liệu. Ví dụ, dịp tết thì tăng lên do đi lại, nhưng tăng lên bao nhiêu phần trăm và yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng.
Trong trường hợp kinh doanh sản xuất nở rộ thì sao, còn với các điều kiện khác thì thế nào... Từ đó có được cơ sở dữ liệu sát thực tại từng địa phương, miền xuôi, miền núi, để phân bố sao cho hợp lý.
Thứ hai, cần có sự điều chỉnh giá xăng dầu một cách linh hoạt và dần đưa về theo giá thị trường. Vì chúng ta đang mong muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường, cho nên việc điều chỉnh giá xăng dầu như một trạng thái bắt buộc, khi hiện nay chúng ta vẫn coi xăng dầu là mặt hàng nhà nước cần phải quản lý và điều chỉnh giá.
Thứ ba, xây dựng kho dự trữ xăng dầu đủ lớn để xây dựng thị trường xăng dầu sát với các nước phát triển.
Thứ tư, kiểm tra và theo dõi sát sao các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cùng với lượng xăng dầu dự trữ. Khi đó, hoạt động quản lý cũng như mua bán xăng dầu sẽ ổn định hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cần làm gì để minh bạch thị trường xăng dầu?
13:00, 24/02/2022
Kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu: Đừng "giơ cao đánh khẽ"
04:01, 24/02/2022
Đón doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu
05:00, 23/02/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Công điện của Thủ tướng về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước
21:15, 22/02/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Bốn kiến nghị từ thực tiễn
19:06, 22/02/2022