Ổn định thị trường xăng dầu: Thay đổi cơ chế điều hành
Cơ chế điều hành giá không kịp thời, linh hoạt với sự biến động hàng ngày của thị trường xăng dầu đã gây áp lực không nhỏ đến khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.
>>Kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu: Đừng "giơ cao đánh khẽ"
LTS: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: "Rối thị trường xăng dầu do Bộ Công Thương thiếu nhạy bén" và chỉ đạo Bộ Công Thương quyết liệt bình ổn giá xăng dầu.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định Giá Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thị trường xăng dầu Việt Nam đang vận hành theo cơ chế độc quyền nên cơ chế điều hành giá phụ thuộc trực tiếp vào quyết định của cơ quan nhà nước, thưa ông?
Thị trường xăng dầu ở nước ta hiện nay không phải là thị trường độc quyền bởi theo quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh: thị trường độc quyền phải có doanh nghiệp ở vị trí độc quyền. Tuy nhiên với cấu trúc của thị trường hiện nay, với thị phần của Petrolimex chiếm 50%, PVOil 20%, Thanh Lễ 8%, Sài Gòn Petro 7%, Mipec 5%, các doanh nghiệp khác là 10 % (số liệu 2021) thì đây là thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh.
Cũng cần nói thêm, công tác điều hành giá xăng dầu vừa qua đã tuân thủ các quy định của Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ cả về thời gian, tần suất, mức độ điều chỉnh và quy định điều chỉnh giá...
Tuy nhiên, do các quy định của cơ chế điều hành có những bất cập, nên hiệu quả điều hành thực tế không như mong đợi. Ví dụ: việc quy định ngày điều hành giá nếu rơi vào ngày nghỉ Lễ, Tết thì sẽ lùi vào kỳ điều hành tiếp theo. Mặt khác, trong khoảng thời gian đó nếu doanh nghiệp nhập hàng về bán thì giá vốn sẽ cao hơn giá bán hiện hành, bị lỗ, tất yếu doanh nghiệp sẽ hạn chế hoặc ngừng nhập khẩu gây thiệt hại nguồn cung... Chính sự lệch pha đó đưa đến hệ quả là tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ giá lên hoặc câu kết "chạy" giá giảm tránh thiệt hại thông qua các hành vi xả hàng gấp khi giá cao, gửi hàng trước khi giá giảm... làm rối loạn thị trường là không tránh khỏi.
>>Đón doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu
- Vậy những lỗ hổng của thị trường xăng dầu sẽ phải “bịt” từ đâu, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật thì Bộ Công Thương có trách nhiệm toàn bộ về thị trường xăng dầu từ việc: Quy hoạch thương nhân kinh doanh xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Quy hoạch hạn mức nhập khẩu tối thiểu, quản lý đăng ký kế hoạch sản xuất xăng dầu trong nước... để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước...
Như vậy bất kỳ thời gian nào, địa bàn nào để xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, là thuộc trách nhiệm của ngành Công thương.
- Vậy theo ông, để điều hành giá xăng dầu hiệu quả, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay cần thay đổi ra sao?
Nếu tuân thủ cơ chế giá thị trường thì cơ chế điều hành hiện hành không còn phù hợp, cần được cải cách mạnh hơn theo hướng phản ánh đúng các yếu tố hình thành giá, quan hệ cung - cầu, cạnh tranh...
Hơn nữa, để theo kịp diễn biến của giá thị trường thì việc điều hành giá phải tôn trọng sự biến động khách quan của thị trường, không "nén giá" theo chu kỳ, xóa bỏ các biện pháp hỗ trợ về giá không phù hợp với cam kết quốc tế.
Trên cơ sở sắp xếp sản xuất kinh doanh hợp lý, cần tìm giải pháp kiểm soát chặt chẽ các đơn vị có vị trí thống lĩnh thị trường, để thị trường hoạt động theo hướng mở hơn, linh hoạt hơn; đảm bảo để hoạt động của thị trường có cạnh tranh, trên cơ sở đó có giá cạnh tranh thực sự.
Ngoài đề xuất Chính phủ cho phép điều hành giá với chu kỳ điều hành linh hoạt hơn, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tính toán sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia trong điều kiện nguồn cung gặp khó khăn. Về lâu dài, nên nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.
Ngoài ra, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng cần tính lại các khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở, như lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức xăng, dầu cho phù hợp với thực tế đã giao để đảm bảo "tính đúng, đủ, hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người dân" như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ Công Thương đã hoàn thiện các thủ tục liên quan để thực hiện và công bố hoạt động thanh tra chuyên ngành với các doanh nghiệp đầu mối. Việc thanh tra sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ Công thương thực hiện bao gồm tất cả các nội dung liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, quy định về sở hữu, đồng sở hữu về phương tiện, tàu, kho bể, hệ thống phân phối...
Có thể bạn quan tâm
Đón doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu
05:00, 23/02/2022
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra xăng dầu
21:35, 22/02/2022
Tăng giá và thiếu xăng dầu cục bộ: Trách nhiệm thuộc về ai?
12:00, 22/02/2022
Chính sách nào giữ chân giá xăng dầu?
00:06, 22/02/2022
Thuế, phí làm “đội” giá xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì?
16:10, 21/02/2022