Xây dựng đội tàu vận tải biển Quốc gia: Đội tàu biển xứng với tiềm năng kinh tế biển

Ngô Khoa Văn - Đại diện phía Bắc Việt Nam, hãng tàu Samudera Shipping 19/03/2022 04:00

Dự kiến, Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam sẽ được Bộ Giao thông vận tải xem xét vào cuối quý I/2022.

LTS: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu cơ chế phát triển đội tàu quốc tế, tăng sự chủ động cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp, đầu tư đội tàu không nên chỉ có đóng và mua mà cần nghiên cứu theo hướng khai thác hoặc thuê mua.

Đầu tư theo “chiến lược hàng không”

Chiến lược này giống cách kinh doanh của các hãng hàng không hiện nay. Một lượng lớn tàu bay đang khai thác hiện vẫn đi thuê nhưng họ có khả năng thiết lập mạng lưới để có hợp đồng, duy trì sự phát triển. Người đi thuê phương tiện phải đảm bảo đủ năng lực, có mạng lưới logistics tốt mới tạo ra được những hợp đồng giá trị.

Đối với đội tàu sở hữu, ngoài việc bỏ tiền mua bằng vốn tự có và vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp cũng nghiên cứu phát triển theo hình thức thuê mua (vừa trả tiền thuê hoạt động, vừa trả tiền gốc, sau khi kết thúc thời gian thuê nhất định thì con tàu đó sẽ là của doanh nghiệp) để giảm áp lực huy động vốn. Bởi việc đầu tư một hãng tàu vận chuyển đi Mỹ hay châu Âu, doanh nghiệp phải huy động nguồn lực tương đối lớn, có thể phải mất trăm tỷ USD và phải có hệ thống “chân rết” hàng hóa tại nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, việc phát triển đội tàu xuyên lục địa đối với Việt Nam vẫn đang là “cánh cửa hẹp”, phải đi dần từ Đông Nam Á, sang nội Á rồi mới tiến tới thuê cả con tàu chạy xuyên lục địa. Thời gian để hiện thực hóa chiến lược này ít nhất cũng phải từ 5 - 10 năm nếu nguồn lực đầu tư được đảm bảo. Bởi một tàu container cỡ lớn trên 10.000TEUs hiện có giá không dưới 500 triệu USD. Điều kiện để vận chuyển một chuyến hàng có hiệu quả là phải gom được khoảng 20.000 container. Trong khi đó, lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam rất nhỏ. Mỗi lần vào cảng xếp chỉ được 1.000 - 2.000TEUs. Đầu tư đội tàu tuyến xa chỉ phục vụ hàng hóa Việt Nam thì chắc chắn lỗ.

 Sản lượng hàng container thông qua cảng biển của Việt Nam năm 2021 đạt 23,8 triệu Teus, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng hàng container thông qua cảng biển của Việt Nam năm 2021 đạt 23,8 triệu Teus, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Và giải pháp ưu tiên thị phần hàng hóa

Tuy vậy, sản lượng hàng hóa vận chuyển của đội tàu Việt vẫn trong cảnh “vừa dò, vừa ăn đong”, chưa được ưu tiên thị phần nhất định khiến doanh nghiệp rất “rụt rè” trong bài toán đầu tư. Để tạo đà phát triển cho doanh nghiệp vận tải biển, Nhà nước cần thiết phải có giải pháp ưu tiên thị phần cho đội tàu trong nước. Việt Nam đang trong quá trình mở cửa thương mại nhưng có những vấn đề ảnh hưởng đến nội tại, an sinh xã hội quốc gia, không cạnh tranh trực tiếp với một đối tượng cụ thể nào thì vẫn có thể nghiên cứu xây dựng chính sách mà không sợ vi phạm đến quy định trong các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Việc đầu tư đội tàu trẻ có tính năng hiện đại, có trọng tải lớn, tàu chuyên dụng là hết sức cần thiết để có thể chạy được các tuyến xa, ngoài khu vực Đông Nam Á, tiến tới các tuyến nội Á và liên lục địa. Chúng ta cũng cần tập trung phát triển thương hiệu quốc gia về hãng tàu container riêng của Việt Nam để có thể tận dụng ưu thế của hệ thống cảng biển nước sâu kéo dài từ Bắc - Trung - Nam. Quan trọng, Nhà nước cần có các chính sách hợp lý, hỗ trợ đầu tư phát triển đội tàu như ưu đãi về cơ chế tài chính khi đầu tư, về chính sách thuế và cơ chế thúc đẩy đào tạo giúp nâng cao nguồn nhân lực cho ngành hàng hải.

Hơn nữa, đội tàu Việt Nam hiện nay chưa thể “mạnh” một phần nguyên nhân do chưa có được lợi thế từ thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu trong nước. Hiện hơn 90% hàng hóa XNK Việt Nam đang theo tập quán mua CIF, bán FOB, quyền thuê tàu thuộc về đối tác nước ngoài nên hợp đồng vận chuyển chủ yếu về tay hãng tàu ngoại. Điều đó khiến các chủ tàu e ngại nguy cơ dựng lên đội tàu rồi lại không thể có nguồn hàng chuyên chở.

Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm trên tuyến vận tải hàng hải trọng yếu Đông – Tây bán cầu, chiếm trên 80% khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Khoảng 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được chuyên chở bằng đường biển. Mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng 2021, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; đặc biệt, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 3,04 triệu Teus, tăng 12% so với năm trước. 

Có thể bạn quan tâm

  • Căng thẳng cước tàu biển đi Mỹ

    Căng thẳng cước tàu biển đi Mỹ

    04:30, 29/03/2021

  • Nhà đầu tư Phú Quốc đón đầu dòng khách tàu biển hạng sang

    Nhà đầu tư Phú Quốc đón đầu dòng khách tàu biển hạng sang

    16:05, 18/12/2019

  • Bãi bỏ quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng?

    Bãi bỏ quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng?

    17:30, 10/06/2019

  • Tháo gỡ bất cập trong quản lý mua, bán, đăng kiểm, đăng ký tàu biển

    Tháo gỡ bất cập trong quản lý mua, bán, đăng kiểm, đăng ký tàu biển

    18:41, 15/05/2019

  • “Cửa sáng” cho du lịch tàu biển Quảng Ninh

    “Cửa sáng” cho du lịch tàu biển Quảng Ninh

    16:12, 13/02/2019

Ngô Khoa Văn - Đại diện phía Bắc Việt Nam, hãng tàu Samudera Shipping