Kinh tế Việt Nam quý 1/2022: Cẩn trọng với các rủi ro
Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam.
>>Xung đột Nga - Ukraine: 4 tác động với nền kinh tế Việt Nam
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo Vietnam at a glance – Bước đi thận trọng của ngân hàng HSBC. Theo nhóm phân tích, mặc dù năm ngoái, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm đổ lại đây, năm 2022 lại khởi đầu với những bước đi vững chắc.
GDP quý 1/2022 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, thực tế là cao hơn mức kỳ vọng 4,7% của HSBC và thấp hơn chút so với mức dự báo chung của thị trường 5,5%. "Con số này nói lên một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam đã lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần cẩn trọng trước những khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng đang ngày một gia tăng trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu" - nhóm phân tích HSBC nhận định.
Tương tự như quý 4/2021, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong quý 1/2022. Sản lượng sản xuất tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng hai con số của mảng điện tử. Thực tế, kết quả tích cực cũng phần nào được thể hiện ở động lực tăng trưởng bên ngoài đã mạnh mẽ trở lại. Xuất khẩu tháng 3 tăng trưởng đạt gần 15% so với cùng kỳ năm trước, kéo tăng trưởng quý 1/2022 lên gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chủ yếu đạt được là nhờ nhu cầu hàng điện tử tăng cao, mặc dù cũng phản ánh phần nào tình hình giao hàng chậm mẫu điện thoại chủ lực Galaxy S22 của Samsung.
Bên cạnh điều kiện thuận lợi do chu kỳ công nghệ được kéo dài, xuất khẩu các mặt hàng khác của Việt Nam cũng mạnh mẽ không kém như dệt may/da giày, máy móc và đồ gỗ. Kết quả xuất khẩu vượt bậc cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động nói chung đã bớt nghiêm trọng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mặc dù một số nơi vẫn phải đối mặt với tình trạng không đủ nhân công. Để ứng phó với tình hình đó, Chính phủ đã tăng số giờ làm thêm mỗi tuần từ 40 lên 60 nhưng không quá 300 giờ/năm áp dụng cho tất cả các ngành nghề, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đặt hàng tăng cao từ nay đến cuối năm 2022.
Mặc dù xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, thặng dư thương mại của Việt Nam trong quý 1/2022 thu hẹp xuống mức tối thiểu 0,8 tỷ USD. Kết quả này không ngoài tầm dự đoán vì bản chất lĩnh vực sản xuất của Việt Nam luôn cần phải nhập khẩu nhiều. Thực tế, nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và một nửa trong số đó là linh kiện điện tử.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu, giá nhiên liệu tăng cao là vấn đề thu hút sự quan tâm. Trước đây, chúng tôi đã từng nhắc đến tình trạng thiếu xăng dầu trong nước của Việt Nam, dữ liệu gần đây là minh chứng cho thấy xu hướng nhập khẩu dầu tăng cao sẽ còn tiếp diễn: chỉ tính riêng trong tháng 3 nhập khẩu dầu thô đã tăng gấp đôi còn nhập khẩu xăng tăng gấp bốn lần bức bình quân tháng cùng kỳ năm trước.
>>Giảm thuế VAT tác động ra sao tới lạm phát năm 2022?
Có thể thấy cán cân thương mại bị thu hẹp lại khiến lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam cũng giảm sút. Thực tế, Việt Nam ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai 1,1% GDP năm 2021, lần thâm hụt đầu tiên trong vòng bốn năm. Bất chấp lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh, thặng dư thương mại nhỏ hơn đạt khoảng 5% GDP không đủ bù đắp cho thiếu hụt nguồn thu nhập chính và nguồn thu từ du lịch sụt giảm. Điểm sáng của năm 2022 chính là việc Việt Nam mở cửa lại biên giới (chi tiết ở phần sau) chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh thu ngành du lịch.
Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có khả năng sẽ chậm. Trước tác động do giá dầu thế giới tăng cao, HSBC dự báo Việt Nam sẽ có thêm một năm thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2022 mặc dù mức độ thâm hụt cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 0,2% GDP. Xét những khó khăn bên ngoài, bộ phận FX của HSBC đã tăng nhẹ mức dự báo tỷ giá USD-VNĐ trong ngắn hạn nhưng mức dự báo đến cuối năm vẫn ở mức 22.800.
Bên cạnh động lực tăng trưởng bên ngoài vững vàng, nhu cầu trong nước cũng dần phục hồi khi Việt Nam kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus”. Mặc dù số ca nhiễm Omicron vẫn tăng, các cơ quan chức năng đã không tăng mức độ các biện pháp hạn chế như năm trước. Việt Nam có thể tự tin như vậy chủ yếu là nhờ tăng tốc phủ vắc-xin: 80% dân số đã được tiêm phòng đủ hai mũi, gần 50% được tiêm mũi tăng cường. Mặc dù vậy, một vài địa phương vẫn áp dụng biện pháp hạn chế khiến khả năng di chuyển của người dân nói chung trong quý 1/2022 giảm xuống dẫn đến tiêu dùng cá nhân tăng trưởng chậm lại ở mức 4,3% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức trước đại dịch.
Thật vậy, trong khi doanh thu bán lẻ phục hồi mạnh mẽ từ giai đoạn chạm đáy hồi tháng 10 năm ngoái, tốc độ tăng trưởng còn khá chậm, quý 1/2022 đạt mức 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, TP. HCM vẫn còn ghi nhận mức chênh lệch 5% thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Một phần lý do là thị trường lao động của Việt Nam còn yếu. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp không còn ở mức đỉnh, giảm xuống còn 2,5% trong quý 1/2022, cả nước có thêm 200.000 người lao động chưa có việc làm so với quý 4/2019 và mức lương giảm sút trong tất cả các ngành nghề. Trong khi đó, giá dầu tăng cao cũng có khả năng khiến thu nhập thực tế của người dân bị giảm, nhất là khi thị trường lao động đang trong giai đoạn đầu phục hồi đầy hứa hẹn.
Mặc dù vậy, vẫn có một tia sáng trong câu chuyện phục hồi trong nước của Việt Nam. Việc mở cửa hoàn toàn là rất quan trọng cho sự phục hồi của ngành dịch vụ bởi phần lớn ngành này phụ thuộc vào du lịch. Sau hai năm đóng cửa, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ từ 15/3. Chỉ tính riêng trong tháng 3, hơn 40.000 khách du lịch đã đến Việt Nam, tăng gần gấp ba so với mức bình quân tháng của hai năm đại dịch. Số lượng khách đến từ Mỹ và châu Âu tăng mạnh, số còn lại đến từ châu Á.
Các cơ quan chức năng đặt mục tiêu thu hút 8 đến 9 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2022, tương đương khoảng 40-50% mức của năm 2019. Đây chắc chắn là một bước tiến lớn của Việt Nam tuy nhiên dự báo du lịch sẽ phục hồi chậm trong năm nay.
Nhìn chung, đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý 1/2022 nhờ các trụ cột tăng trưởng bên trong và bên ngoài. Mặc dù vậy, thử thách vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu. Do đó, HSBC đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% (trước đây là 6,5%) sau khi xem xét các trở ngại tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nghiên cứu khuyến cáo của WB về tình hình kinh tế Việt Nam
20:10, 28/03/2022
Xung đột Nga - Ukraine: 4 tác động với nền kinh tế Việt Nam
13:00, 03/03/2022
VBF 2022: Năm 2022 nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao
00:00, 22/02/2022
Đau đáu về sự phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022
04:00, 06/02/2022
Kinh tế Việt Nam 2022: Hãy cân bằng chính sách tài khoá và tiền tệ
04:15, 04/02/2022