Đại dịch “vô hiệu hoá” nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm mạnh ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây.
>>Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022: Tăng trưởng có thể đạt mục tiêu, chỉ lo lạm phát
PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và nghiên cứu giảng dạy, Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 25/4.
Đánh giá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng suy giảm mạnh tại khu vực kinh tế thực của Việt Nam năm 2021, theo PGS.TS. Tô Trung Thành, nguyên nhân chủ yếu từ cú sốc suy thoái nặng nề trong quý III với sự lan rộng của biến chủng Delta trong khi tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp, đã gần như vô hiệu hoá các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và truy vết của Chính phủ, vốn đã rất thành công trong năm 2020.
Khu vực kinh tế thực suy giảm mạnh
Các chính sách phản ứng còn chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa các địa phương, nhiều khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã bị phong toả trong thời gian dài. Trong khi các quốc gia khác trong khu vực phục hồi khá tốt sau năm 2020 suy giảm, Việt Nam trở thành quốc gia có độ trễ một năm về tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội/GDP đạt 34,43%, gần như không đổi so với mức của các năm gần đây; tăng trưởng tín dụng đạt 13,53%, tăng cao hơn so với mức 12,17% của năm 2020.
Theo đó, động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì, tuy nhiên hiệu quả của đầu tư và tín dụng suy giảm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng TFP của Việt Nam năm 2021 là -1,6%, so với tăng 0,7% năm 2020, trong khi hầu hết các nước trong khu vực và Trung Quốc đều có sự cải thiện đáng kể.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế, theo giá so sánh, năm 2021 chỉ tăng 4,71%, thấp hơn mức tăng 4,9% năm 2020, và cũng là mức tăng thấp nhất từ năm 2014 cho đến nay.
Năng suất lao động của Việt Nam theo ngang giá sức mua PPP chỉ bằng 1/3 của Malaysia, 1/1,7 của Trung Quốc và Thái Lan chênh lệch tuyệt đối về năng suất lao động giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN còn ở mức khá cao.
Khởi sắc kinh tế số
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, PGS.TS. Tô Trung Thành cho rằng, đổi mới sáng tạo và kinh tế số - những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong bối cảnh mới – đã có những dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam xếp thứ 44 trong 132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Điểm hạn chế của Việt Nam trong chỉ số này vẫn là thể chế, đứng ở vị trí thấp nhất trong các trụ cột trong những năm gần đây, bên cạnh trụ cột về hạ tầng và nguồn nhân lực cũng có mức xếp hạng thấp và hầu như không có cải thiện.
Trong khi đó, kinh tế số (KTS) đã mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Nền KTS của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 21 tỷ USD (chiếm khoảng 6% GDP), tương đương quy mô KTS của Malaysia, đứng sau Indonesia và Thái Lan.
Tốc độ tăng trưởng KTS năm 2021 lên đến 31%, tăng trưởng nhanh thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia. Dự báo, KTS của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, dự kiến sẽ vượt Thái Lan, đứng vị trí thứ hai trong khu vực, sau Indonesia vào năm 2025.
“Như vậy, chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa có nhiều cải thiện, hiệu quả đầu tư và tín dụng chưa cao, tăng trưởng TFP và năng suất lao động suy giảm, môi trường thể chế còn điểm nghẽn. Nhưng cơ hội cho kinh tế Việt Nam là sự phát triển nhanh chóng của KTS và quá trình đổi mới sáng tạo được tăng cường mạnh mẽ”, PGS.TS. Tô Trung Thành nói.
Tốc độ tăng trưởng đầu tư chậm lại
Phân tích về cơ cấu tăng trưởng, PGS.TS. Tô Trung Thành cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,43% GDP, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng 4,12% của năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước (chiếm tỷ trọng 24,7%) và FDI (15,8%) đều giảm so với năm ngoái (giảm tương ứng 2,9% và 1,1%). Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng đầu tư đã chậm lại, nguyên nhân chính là từ tốc độ giải ngân đầu tư công đã không duy trì được tốc độ nhanh như năm 2020.
Tiêu dùng cuối cùng mặc dù phần nào phục hồi khi đạt được mức tăng 2,09%, cao hơn so với mức tăng 1,06% của năm 2020, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với trước đại dịch. Có thể thấy rõ hơn thông qua tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức giảm là 6,2%.
Theo cơ cấu ngành sản xuất; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2021 tăng trưởng 2,9% (so với 0,61% của năm 2020) và đóng góp 14% vào tăng trưởng GDP. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 4,05%, so với 3,98% của năm 2020, đóng góp 42,6% vào tăng trưởng GDP.
Trong khi đó, đại dịch tác động mạnh đến ngành dịch vụ, với mức tăng 1,22% (so với 2,34% năm 2020), đóng góp 46,1% vào tăng trưởng GDP. Với tỷ trọng đóng góp lớn đến GDP, trong khi bị tác động nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, ngành dịch vụ đã kéo giảm mức tăng trưởng của năm 2021.
Chi tiết vào các ngành sản xuất, một số ngành đã có sự hồi phục tốt như ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện, hoạt động ngân hàng, tài chính và bảo hiểm, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Ngược lại, một số ngành tiếp tục đà giảm sâu từ năm 2020, như ngành vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Áp lực đè nặng lên doanh nghiệp
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, năm 2021 chứng kiến số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đều giảm sâu về số lượng, số lao động và lượng vốn đăng ký. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường đều gia tăng rất mạnh. Điều này phản ánh những khó khăn rất lớn của khu vực doanh nghiệp trong năm. Những nguyên nhân cơ bản có thể kể đến như sau.
Đứt gẫy chuỗi cung ứng. Các chính sách phản ứng với làn sóng lây nhiễm thứ 4 còn nhiều hạn chế, cứng nhắc, thiếu nhất quán giữa các địa phương đã dẫn đến các hệ quả là gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, đầu vào, hàng hóa.
Nhiều doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của ngành phải đóng cửa sản xuất do không đáp ứng được những yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương, nhiều doanh nghiệp nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu, khu trú chủ yếu ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, dẫn đến đứt gẫy cả chuỗi cung ứng quốc tế.
Chi phí sản xuất gia tăng mạnh. Để đảm bảo điều kiện an toàn và tiếp tục sản xuất, các doanh nghiệp phải trả thêm những chi phí liên quan như chi phí hỗ trợ lương nghỉ dịch; chi phí xét nghiệm; chi phí nhiên liệu; trợ cấp tiền lương, bữa ăn và vật dụng sinh hoạt... Bên cạnh đó là gánh nặng BHXH và chi phí công đoàn.
Đứt gẫy nguồn cung lao động, đặc biệt là ở Quý III với sự bùng phát của làn sóng dịch lần thứ tư. Lực lượng lao động tổn thương nghiêm trọng khi tình trạng sống và làm việc “ba tại chỗ” kéo dài quá lâu.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, hàng trăm ngàn lao động phải nghỉ việc, giãn việc, làm việc luân phiên, Tuy nhiên, những quy định chống dịch ở các địa phương không thống nhất sau đó đã cản trở sự quay trở lại làm việc của người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Các lý thuyết “dị” truy tìm triệu chứng suy thoái kinh tế
05:30, 04/04/2022
Giá dầu leo cao có thể tác động đến suy thoái kinh tế
04:05, 05/03/2022