Kinh tế khó khăn khiến lạm phát giữ ở mức thấp trong 2021
CPI năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,23% của năm 2020.
>>Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022: Tăng trưởng có thể đạt mục tiêu, chỉ lo lạm phát
PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và nghiên cứu giảng dạy, Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích về tình hình lạm phát về lĩnh vực tài chính và tiền tệ tại Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ngày 25/4.
Trong đó, nhóm các hàng hoá tăng giá gồm xăng dầu, gạo, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ giáo dục. Ngược lại, nhóm các yếu tố giúp kiềm chế lạm phát như giá thực phẩm giảm, giá điện giảm do các chương trình hỗ trợ của EVN, giá vé máy bay, giá du lịch giảm do nhu cầu suy giảm.
Lạm phát cơ bản bình quân của năm 2021 chỉ tăng 0,81% so với bình quân của năm 2020, cùng với mức tăng tổng phương tiện thanh toán là 8,93% (giảm so với mức tăng 13,26% của năm 2020). Kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng không tăng nhiều cũng là nguyên nhân khiến lạm phát giữ ở mức thấp.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Tô Trung Thành, mức tăng tín dụng 13,53% (cao hơn so với tăng 12,17% của năm 2020), trong khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, phản ánh nền kinh tế đang ở giai đoạn hấp thụ tín dụng khó khăn, dòng vốn khó đi vào khu vực sản xuất, và chuyển hướng dần với các thị trường tài sản, có thể gây những rủi ro lạm phát và bất ổn trong những năm tiếp theo.
Tại khu vực chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã chính thức ra mắt ngày 11/12/2021, được thành lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ra đời sẽ thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường. Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới của HOSE do FPT triển khai chính thức vận hành vào đầu tháng 7 năm 2021 sau khi tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE xảy ra trong 3 tháng đầu năm 2021.
Sự ra đời của hệ thống giao dịch mới giúp cải thiện tình hình nghẽn lệnh và tăng tính thanh khoản cho thị trường, tạo điều kiện cho dòng tiền vào thị trường ấn tượng trong năm 2021.
Năm 2021 cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước. Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới gần 4 triệu tài khoản, trong đó, số tài khoản nhà đầu tư mở mới đạt 1,5 triệu tài khoản.
Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất, đó là lãi suất huy động đang ở mức thấp; kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại; nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực.
Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới; người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư trong bối cảnh đại dịch, và việc áp dụng eKYC giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn.
“Tuy nhiện, việc các nhà đầu tư ồ ạt tham gia thị trường mà không có những trang bị kiến thức về tài chính hay quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ tiềm ẩn”, PGS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022: Tăng trưởng có thể đạt mục tiêu, chỉ lo lạm phát
03:00, 22/04/2022