Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ, DN thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng DN gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao, tạo động lực lớn cho năm 2023.
Tại Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 do Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức ngày 14-12, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.
Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.
“Bộ Xây dựng nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chia sẻ.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Đặc biệt, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Như vậy, phục hồi kinh tế trên nhiều mặt đã đạt được kết quả tích cực. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%.
Đạt được kết quả khá tích cực nêu trên có nhiều yếu tố tác động. Có thể nêu ba lý do chính là: Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường; kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; và cuối cùng, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước.
Bên cạnh những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam 2022, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có một số dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện vào cuối năm 2022 và có thể tiếp diễn trong năm 2023. Đó là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED…
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong 11 tháng đầu năm, đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số đáng suy nghĩ. Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu nhìn sâu vào bức tranh doanh nghiệp, có thể thấy doanh nghiệp của ta đang gặp rất nhiều khó khăn khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Năm 2020, 39,7% doanh nghiệp có lãi, 41% hòa vốn. Thế nhưng, năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi Covid-19, giờ lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Trước diễn biến đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn, nhất là qua đại dịch vừa rồi sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa. Chuyển đổi số chỉ là phương thức, chúng ta cần có những chính sách giải pháp để thúc đẩy quá trình này.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, bởi không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn. An toàn pháp lý trong kinh doanh là rất quan trọng, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào chiến lược kinh doanh. Đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp.