Dự báo bức tranh kinh tế năm 2023
Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu với sự biến động của nền KT Việt Nam trong năm tới, PV Diễn đàn Doanh nghiệp có buổi trò chuyện cùng TS Lê Thị Nguyệt - TK kinh tế, Trường ĐH Hải Dương.
>>>Hải Dương: Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch chào năm mới 2023
- Thưa bà, kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ những sự kiện và tin tức không tốt từ đầu năm 2022 đến nay, như áp lực giá xăng tăng và tình hình lạm phát từ Mỹ cũng như các quốc gia Châu Âu. Bà nhận định ra sao về sức ép lạm phát đến nền kinh tế nước ta nói chung ?
Có thể thấy rằng, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng trên bình diện toàn cầu. Điều này sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc và chịu tác động lớn hơn từ sự thay đổi của nền kinh tế thế giới và khu vực đặc biệt là các khu vực/quốc gia có hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu với Việt Nam.
Tình hình lạm phát của thế giới sẽ tạo áp lực cho nền kinh tế Việt Nam ở 2 khu vực:
Một là, thị trường nhập khẩu các yếu tố đầu vào, giá cả của nhiều nguyên liệu, nhiên, vật liệu và hàng hóa đầu vào tăng, giá bán tăng, làm gia tăng lạm phát trong nước, kéo theo sức cầu trong nước suy giảm gây khó khăn cho doanh nghiệp, điển hình như giá xăng dầu, nguyên phụ liệu ngành may, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng (55% nguyên phụ liệu ngành dệt may cũng được nhập khẩu).
Hai là, thị trường xuất khẩu, lạm phát ở các nước trên thế giới tăng cao cũng khiến cho sức mua của nước nhập khẩu giảm sút, các đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu giảm, đơn cử như mặt hàng tôm, ngành dệt may, ngành gỗ.
Và hệ quả nước ta cũng sẽ rơi vào vòng xoáy lạm phát, nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều gặp khó khăn hơn khi chi phí tăng, lợi nhuận và thu nhập giảm.
-Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong năm tới, cùng với đó là nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nền kinh tế có nhiều biến động, theo bà bức tranh phát triển kinh tế năm 2023 sẽ ra sao?
Nhìn tổng thể nền kinh tế thế giới và Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đã có những nhận định.
Thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới cuối 2022 và dự báo đầu năm 2023 vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát cao, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy ở nhiều nơi và sự suy thoái kinh tế thể hiện ngày càng rõ ở nhiều quốc gia, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu…
Đây được coi là áp lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi nền kinh tế của chúng ta đang hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Thứ hai, nền kinh tế trong nước cũng đang chịu áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; Thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Từ bối cảnh trong nước cũng như nền kinh tế thế giới có thể nhận diện phần nào bức tranh phát triển kinh tế Việt nam năm 2023, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải gồng mình và nỗ lực hết sức. Trong đó, doanh nghiệp vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào, lãi suất tăng, lạm phát cao, sức mua trong và ngoài nước giảm sút ít nhất sẽ kéo dài đến quý I, thậm trí quý II/2023.
Tuy vậy, Chính phủ cũng chủ trương sẽ thực hiện nhiều chính sách và công cụ kinh tế vĩ mô vào năm 2023. Do vậy chúng ta hoàn toàn tin tưởng và lạc quan vào hiệu quả của chính sách vĩ mô của chính phủ đặc biệt là sự điều hành linh hoạt của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua cũng như cho năm 2023 như chính sách tăng cường đầu tư công, chính sách giảm thuế, giãn thuế, hỗ trợ lãi xuất vay cho DN, các gói kích cầu tiêu dùng khác…, hy vọng rằng nền kinh tế 2023 sẽ phục hồi tốt và ổn định hơn.
- Thưa bà, với vai trò là phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Hải Dương, bà có gợi ý những giải pháp gì đối với sự phát triển của doanh nghiệp và chính sách của nhà nước?
Trên thực tế, Hiệp hội DNNVV tỉnh Hải Dương đóng vai trò là cánh tay nối dài của chính quyền Hải Dương với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi vừa thực hiện chức năng giúp doanh nghiệp hội viên kết nối thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và bảo vệ quyền lợi cho các hội viên. Đồng thời cũng là nơi tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, đề xuất với lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành liên quan giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về đề xuất giải pháp, tôi cho rằng các doanh nghiệp trong thời điểm tới buộc phải chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Đồng thời cũng chủ động ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, phương thức bán hàng mới, nhằm đạt được hiệu quả và lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tiết kiệm và cắt giảm những chi phí không cần thiết để ổn định giá thành. Đa dạng hóa trong sản xuất kinh doanh và chủ động trong nắm bắt thông tin và tiếp cận nguồn vay ưu đãi cũng như chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp.
Nhưng, vấn đề của doanh nghiệp cũng cần phải có sự hỗ trợ từ chính quyền và các cơ quan chức năng. Theo ý kiến cá nhân tôi, chính quyền tỉnh Hải Dương cũng cần phải kịp thời tháo gỡ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cách thức quản lý….
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm