Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kỳ I: Thời cơ và thách thức

QUỲNH MAI 11/04/2023 00:16

7 địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều có tỷ lệ đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu lớn nhất nước.

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo, phát triển, bứt phá vùng động lực phía Bắc”, được tổ chức bởi Thời báo Tài chính Việt Nam và VCCI Hải Phòng ngày 10/4.

Thời cơ đến

Theo TS. Phạm Thu Phong, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với 3 hạt nhân là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh - là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Phát huy tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển. Nhờ đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm.

>>Tuyên dương các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Các chuyên gia, diễn giả đóng góp ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023

Các chuyên gia, diễn giả đóng góp ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023

Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán. Từ năm 2017, tất cả 7 địa phương trong vùng đều có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước. TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu lớn nhất nước.

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế, trong đó có Vùng động lực phía Bắc (gồm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Đây là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội mới, động lực mới cho các địa phương trong vùng chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, với vai trò là 1 cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực, không ngừng phát triển và đạt được một số kết quả nổi bật. Quy mô nền kinh tế của thành phố không ngừng được mở rộng, luôn duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại Diễn đàn

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố luôn đạt ở mức cao, giai đoạn 2005 - 2019 bình quân tăng 10,8%/năm, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước. Năm 2022, tăng trưởng GRDP thành phố đạt 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước, là năm thứ 7 liên tiếp Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số…

Thách thức đối mặt

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với không ít thách thức như: chưa có nhiều các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao; năng lực đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh của các địa phương trong vùng không đồng đều; liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa thực chất...

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 

Tại diễn đàn, TS. Đỗ Minh Thụy - Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, về căn bản, vùng kinh tế động lực phía Bắc mới bước đầu bù đắp khiếm khuyết, thiếu hụt, hướng tới đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý. Khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vẫn chưa được kiện toàn, chưa đảm bảo mức độ tương thích cao giữa nền tảng pháp luật Việt Nam với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động hỗ trợ tư pháp còn yếu, dẫn đến sự lúng túng rất đáng quan ngại khi xảy ra tranh tụng pháp lý quốc tế, khó bảo vệ các doanh nghiệp trước các rủi ro pháp lý gây tổn thất, thua thiệt lớn.

Ngoài ra, tình trạng hàng giả, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn còn phổ biến cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và trong vùng động lực phía Bắc nói riêng trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng khi hội nhập.

Đỗ Minh Thuỵ cho rằng, thực tế phát triển của lịch sử thế giới đang trong giai đoạn bước ngoặt. Thế giới đối diện với 5 cuộc khủng hoảng mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, lạm phát và xung đột vũ trang. Nền kinh tế số và kinh tế xanh là hai xu thế lớn, không thể đảo ngược của toàn cầu, trong đó có những vấn đề được các quốc gia quan tâm và đặt lên hàng đầu như sản phẩm không chỉ cần "sạch" mà còn phải đảm bảo "xanh và bền vững", giảm thiểu rác thải bằng cách tăng tuổi thọ, vòng đời của sản phẩm...

Vì vậy mà khi Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP thì cần lưu ý các doanh nghiệp trong vùng động lực phía Bắc cần nghiên cứu kỹ để không vi phạm các quy định về môi trường, luật lao động… trong thương mại quốc tế, tránh những thiệt hại không đáng có.

Khi đã xác định rõ vị thế, vai trò của mình thì các doanh nghiệp thực hiện việc tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng cũng chính là quá trình ưu tiên phát huy thế mạnh tiềm năng, khắc phục tồn tại, yếu kém nhằm sớm tăng cường năng lực cạnh tranh.

Cùng với cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thực chất thì việc đổi mới từ chủ trương, cơ chế, chính sách đến tổ chức triển khai có hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chính là giải pháp tổng thể có ý nghĩa chiến lược về phát triển vùng động lực phía Bắc trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, vùng động lực phía Bắc giữ vai trò quan trọng trong phát triển và kết nối quốc tế. Do đó, cần phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển vùng. Đặc biệt cần giải quyết các nút thắt để phát triển trong đó có vấn đề huy động vốn và thúc đẩy giải ngân…

Có thể bạn quan tâm

  • Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Phát huy sứ mệnh đầu tàu

    Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Phát huy sứ mệnh đầu tàu

    00:00, 12/01/2020

  • MISA được ghi nhận là doanh nghiệp tiêu biểup/có nhiều đóng góp cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    MISA được ghi nhận là doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    09:45, 23/12/2019

  • Liên kết doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    Liên kết doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    11:27, 22/12/2019

QUỲNH MAI