TP.HCM sẵn sàng khởi động cơ chế đặc thù để tạo đột phá
Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Và đây là động lực để TP.HCM sẵn sàng áp dụng cơ chế, tạo động lực cho TP phát triển bứt phá.
>>Cần cơ chế đặc thù xã hội hóa hạ tầng giao thông
Như vậy, sau thời gian nghiên cứu, thảo luận về chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã chính thức được thông qua với nhiều chính sách đặc thù, và sẽ có hiệu lực kể từ 1/8/2023. Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM, gồm: đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 năm 2017 về chính sách đặc thù cho TP.HCM và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác.
Sẵn sàng tâm thế để khởi động…
Nhận định về cơ hội và động lực khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, trao đổi với PV DĐDN, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chia sẻ: Trước tiên Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá cao Quốc hội khi đã thống nhất và bấm nút thông qua Nghị quyết cơ chế đặc thù đối với TP.HCM ở nhiều lĩnh vực, bao gồm: đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Trong đó, cơ chế thí điểm mô hình phát triển đô thị (TOD), được xem là một trong những điểm sáng về cơ chế đặc thù, mặc dù vấn đề này không phải là mới, là chưa có tiền lệ vì Nghị quyết 54 cũng đã có nội dung này.
Tuy nhiên, trong cơ chế tự chủ (bằng nguồn vốn ngân sách) thí điểm mô hình phát triển đô thị (TOD), theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), thì HĐND TP.HCM được quyền quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư (sử dụng ngân sách TP để đền bù), là một động lực rất lớn cho quá trình triển khai thực hiện.
"Có nghĩa là, khi Thành phố thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật, thì UBND TP.HCM được quyền tự chủ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, một điểm sáng nữa là đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), TP.HCM được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do HĐND quy định.
Cùng với đó, TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. Và trong vấn đề này, HĐND TP.HCM sẽ ban hành danh mục dự án quy định tại khoản này, và UBND TP.HCM sẽ thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát.
Tuy nhiên, ông Châu cũng lưu ý trong quá trình triển khai loại hình này cũng cần đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nếu không sẽ xảy ra xung đột với lợi ích cộng đồng.
"Đặc biệt, theo cơ chế đặc thù này thì TP.HCM cũng được áp dụng loại hợp đồng BT. Đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT được ký kết theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì việc sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, là điểm nổi bật để TP.HCM có thể xử lý nhanh hơn và tạo đột phá”, ông Châu nhấn mạnh.
>>Ngày 26/5, Quốc hội họp về chính sách đặc thù phát triển TP. HCM
Động lực cho Vành đai 3 cán đích…
Liên quan tới cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển hạ tầng, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông TP.HCM (TCIP), nhận định: Theo cơ chế đặc thù, các chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước… thì ngân sách TP.HCM sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố là vấn đề rất quan trọng đối với phát triển hạ tầng trong giai đoạn biện nay.
"Trong đó, HĐND TP.HCM sẽ được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm. Đồng thời, quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ địa phương khác trong nước…
Và đây là điều kiện rất thuận lợi khi mà các dự án cao tốc phía Nam đang đồng loạt triển khai, trong đó có đường Vành đai 3 vừa mới được khởi công ngày 18/6 vừa qua sẽ là dự án điểm tận dụng cơ hội này để triển khai nhanh, vượt tiến độ, sớm cán đích mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra", ông Phúc chia sẻ.
Cũng theo ông Phúc, tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả cơ chế này, TP.HCM phải bắt tay ngay vào việc tận dụng mọi thời gian, chuẩn bị tâm thế tốt nhất để nhanh chóng cụ thể hóa từng cơ chế, chính sách; không chờ tới ngày nghị quyết có hiệu lực (1/8/2023), mà thay vào đó là sẵn sàng khởi động cơ chế đặc thù để tạo đột phá.
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế đặc thù chuyển dịch năng lượng
02:19, 08/06/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 07/06: Cần cơ chế đặc thù để hút doanh nghiệp đầu tư năng lượng xanh
04:16, 07/06/2023
Dự thảo Nghị quyết "cơ chế đặc thù" cho TP HCM: Chưa khả thi
05:00, 30/05/2023
Cần cơ chế đặc thù xã hội hóa hạ tầng giao thông
02:00, 10/04/2023
TP.HCM xin cơ chế đặc thù đầu tư điện mặt trời mái nhà: Giá FIT cần áp dụng linh hoạt hơn!
16:54, 10/03/2023