TP.HCM sẽ phát triển thêm 4 đô thị vệ tinh theo mô hình đô thị - TOD
Trong kế hoạch, Cần Giờ sẽ là đô thị sinh thái biển; đô thị khu Nam - Phú Mỹ Hưng là đô thị trung tâm; đô thị Tây Nam (Bình Chánh) - ĐBSCL; đô thị Tây Bắc (Củ Chi - Hóc Môn), sẽ áp dụng mô hình (TOD).
>>Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù TP.HCM: “Cơ hội để TP hành động quyết liệt”
Đó là phát biểu của ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM, tại hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 15/7/2023. Tham dự hội nghị có Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và 2 Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang.
Thêm 4 đô thị vệ tinh theo mô hình đô thị - TOD…
Theo đó, nêu một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung, ông Phan Văn Mãi cho biết Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đề xuất không đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu mà sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Về công tác quy hoạch, UBND TP.HCM tập trung quy hoạch kinh tế - xã hội, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM tạo không gian phát triển mới (nhất là không gian ngầm, không gian sông - biển).
Đáng chú ý, nhấn mạnh về mục tiêu phát triển đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết, mục tiêu của TP.HCM là “tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với các đô thị vệ tinh, trong đó, Thủ Đức là đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái biển; khu Nam - Phú Mỹ Hưng là đô thị trung tâm; đô thị Tây Nam (Bình Chánh) là cửa ngõ với đồng bằng sông Cửu Long; và đô thị Tây Bắc (Củ Chi - Hóc Môn)".
Theo ông Mãi, một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống metro phát triển áp dụng theo mô hình đô thị - TOD.
Về tái cấu trúc kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe.
“Do đó, Thành phố cũng sẽ tái cấu trúc và định vị lại chiến lược công nghiệp theo hướng công nghệ cao, đồng thời tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm, kinh tế ven sông - hướng biển, ông Mãi nói.
Như vậy, ngoài việc Thủ Đức là đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông, thì TP.HCM có thêm 4 đô thị vệ tinh khác gắn với mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) gồm: Cần Giờ, khu Nam, Tây Nam và Tây Bắc và tổn cộng là 5 đô thị sẽ áp dụng theo hình thức TOD.
>>Quy định mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị
Những điểm sáng về mô hình TOD
Nhận định về cơ chế thí điểm mô hình phát triển đô thị (TOD), trao đổi với PV DĐDN, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chia sẻ: Nghị quyết cơ chế đặc thù đối với TP.HCM ở nhiều lĩnh vực, bao gồm: đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Trong đó, cơ chế thí điểm mô hình phát triển đô thị (TOD), được xem là một trong những điểm sáng về cơ chế đặc thù, mặc dù vấn đề này không phải là mới, là chưa có tiền lệ vì Nghị quyết 54 cũng đã có nội dung này.
Tuy nhiên, trong cơ chế tự chủ (bằng nguồn vốn ngân sách) thí điểm mô hình phát triển đô thị (TOD), theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), thì HĐND TP.HCM được quyền quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư (sử dụng ngân sách TP để đền bù), là một động lực rất lớn cho quá trình triển khai thực hiện.
"Có nghĩa là, khi Thành phố thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật, thì UBND TP.HCM được quyền tự chủ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”, ông Châu nói.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù TP.HCM: “Cơ hội để TP hành động quyết liệt”
10:33, 08/07/2023
Thí điểm cơ chế đặc thù TP.HCM: Sẽ khơi thông nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông
00:30, 06/07/2023
TP.HCM sẵn sàng khởi động cơ chế đặc thù để tạo đột phá
05:42, 25/06/2023
Cơ chế đặc thù chuyển dịch năng lượng
02:19, 08/06/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 07/06: Cần cơ chế đặc thù để hút doanh nghiệp đầu tư năng lượng xanh
04:16, 07/06/2023