Định giá doanh nghiệp và câu chuyện cổ phần hóa VFS
Thông báo kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - VFS” của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có nhiều vi phạm, thiếu sót.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy – CTCP xin rút vốn trước thời hạn; chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo quy định.
Nhiều "sai sót" trong cổ phần hóa
Trong quá trình cổ phần hóa VFS, theo Thanh tra Chính phủ, Hãng cũng chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim.Việc thực hiện thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Công ty cơ bản đã thực hiện theo quy định nhưng vẫn còn có hạn chế và sai sót.
Cụ thể, Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược. Công ty xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.
Việc cổ phần hóa hãng phim đã phần nào phản ánh bất cập trong định giá doanh nghiệp, đặc biệt là định giá thương hiệu khi để cho một thương hiệu có lịch sử hơn 50 năm chỉ đáng giá " 0 đồng", ngoài ra việc không tính giá trị sử dụng đất cũng tiềm ẩn nguy cơ thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Xây dựng tiêu chi và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.
CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam chưa thực hiện một số nội dung được đề ra trong ĐHĐCĐ lần thứ nhất. Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo còn có một số sai sót trong việc lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động.
Ngoài ra, tại phương án cổ phần hóa và chuyển Hãng phim truyện Việt Nam thành CTCP, Hãng xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm toàn bộ diện tích 1,208 m2 tại số 6 Thái Văn Lung và số 4 Thụy Khuê khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến thời điểm kiểm tra, Công ty được Bộ tài chính và UBND TP Hà Nội thống nhất để tiếp tục sử dụng đối với 2 cơ sở nhà, đất mà Công ty đang sử dụng gồm số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám và tại xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Đối với 2 cơ sở số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, Công ty chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Thanh tra Chính phủ xác định việc Hãng phim truyện Việt Nam cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng tại số 6 Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM) là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Có thể bạn quan tâm
30 ngày để thanh tra quá trình cổ phần hóa VFS
05:04, 13/10/2017
“Khoảng tối” sau cổ phần hóa của VFS
10:55, 06/10/2017
Làm gì để không có một VFS trong tương lai?
07:00, 23/09/2017
VFS phản chiếu những bất cập trong quá trình cổ phần hóa
15:31, 21/09/2017
Bức xúc "định giá doanh nghiệp"
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tài sản nhà nước bị định giá thấp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều doanh nghiệp khi định giá tài sản của Nhà nước mới chỉ xác định theo phương pháp tài sản, tức tài sản hữu hình, mà chưa định giá thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu, tức là tài sản vô hình. Tài sản này bao gồm: thương hiệu, giá trị tăng trưởng hàng năm...
Việc định giá thấp tài sản nhà nước dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong bán phần vốn nhà nước, hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được nhắc đến rất nhiều lần.
Theo ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế, định giá thấp tài sản nhà nước và tạo ra nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước tập trung nhiều trong lĩnh vực đất đai, bởi hàng triệu héc-ta đất thuê, ở những vị trí đắc địa không được đưa vào định giá doanh nghiệp.
Trên thực tế, theo giám đốc một công ty kiểm toán, định giá doanh nghiệp là việc vô cùng khó khăn và phụ thuộc rất lớn vào các dữ liệu đầu vào nếu áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong tương lai.
Cùng một doanh nghiệp, phương pháp tài sản cho giá xấp xỉ 2.000 tỷ đồng nhưng phương pháp chiết khấu dòng tiền lại cho giá trị tới gần 30.000 tỷ đồng. Năng lực và bản lĩnh và tính khách quan của các đơn vị định giá sẽ là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng định giá tại các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa hoặc thoái vốn.
Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp có quy mô giá trị hơn 500 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước cần phải kiểm toán định giá để đảm bảo tính chính xác. Qua kết quả kiểm toán định giá 7 doanh nghiệp nhà nước lớn, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 127/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cho phù hợp với thực tế.
Trở lại việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, việc định giá "0 đồng" cho thương hiệu này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, đặc biệt là các nghệ sĩ đã và đang cống hiến cho Hãng phim.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn bức xúc cho biết: “Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nếu không làm sáng tỏ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy vì còn nhiều đơn vị nhà hát khác đang nằm ở khu đất vàng, biết đâu sẽ có ngày bị như Hãng phim truyện Việt Nam. Bằng cách để mặc chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải tự kiếm sống nuôi nhau. Lãnh đạo công ty cổ phần những tưởng chúng tôi sẽ chán nản mà bỏ đi. Nhưng họ nhầm, chúng tôi vẫn sẽ trụ lại ở lại đây vì còn yêu hãng”.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xem xét lại việc định giá và cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Ngày 2/10/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo sau khi nhận được kiến nghị của một số cán bộ, diễn viên Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim Việt Nam (Hãng phim Truyện Việt Nam), đơn kiến nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam, báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về công tác cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.
Đến ngày 13/10/2017, tại Bộ VH-TT-DL, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố quyết định thanh tra về quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong thời gian 30 ngày.
Đầu tháng 12/2017, Thanh tra Chính phủ cho biết hoàn tất thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và gửi báo cáo lên Chính phủ. Tuy nhiên, báo cáo này sẽ không bố chính thức ngay. Bởi đợt thanh tra này là theo yêu cầu của Chính phủ và Chính phủ yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra để xem xét nên không công bố. Việc công bố và chỉ đạo giải quyết vụ việc ở VFS thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ sẽ có kết luận chỉ đạo vụ việc trên.
Ông Brian McEnery, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) Toàn cầu: Cần cơ quan độc lập trong quá trình định giá doanh nghiệp Việc định giá doanh nghiệp rất phức tạp, do đó doanh nghiệp thường phải sử dụng các chuyên gia định giá. Một số phương pháp xác định giá trị khi cổ phần hóa có thể áp dụng bao gồm: phương pháp định giá các tài sản do doanh nghiệp sở hữu (thường dẫn đến xác định mức giá trị/lợi nhuận thấp cho DNNN), phương pháp chiết khấu dòng tiền và các phương pháp định giá dựa trên thị trường. Cần nhấn mạnh, các cuộc định giá cần chuyên gia độc lập. Cơ quan kiểm toán tối cao nên đảm bảo là các mô hình định giá khác nhau được sử dụng dựa trên các phương pháp phù hợp và hợp lý, tuân theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Việc định giá cần được thực hiện độc lập với quan điểm của cả người mua tiềm năng và của cơ quan quản lý tài sản hiện tại. Việc định giá độc lập nên bao gồm tất cả mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Việc định giá này cần được cập nhật khi các điều khoản hợp đồng cổ phần hóa doanh nghiệp thay đổi. |