Thị trường chứng khoán sẽ "thăng hoa" trong năm 2018

Đăng Lãm 08/01/2018 15:10

Kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, làn sóng doanh nghiệp nhà nước IPO và lên sàn mạnh mẽ, đà tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, tín dụng tăng trưởng tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện,... là những yếu tố nền tảng hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán năm 2018.

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017, ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, thị trường hiện đang tăng trưởng bền vững, dựa trên một nền tảng vững chắc đến từ các yếu tố như: tăng trưởng kinh tế, mức lợi nhuận tốt từ các doanh nghiệp niêm yết, quyết tâm cải cách doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, dòng tiền nước ngoài đang đổ vào thị trường ngày càng nhiều. Tất cả những điều này tạo kỳ vọng cho một thị trường thăng hoa trong năm 2018.

Ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Vào những tháng cuối năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự trỗi dậy ngoạn mục, vậy bệ đỡ cho điều này đến từ đâu, thưa ông?

Chính là việc đẩy nhanh quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó thành công nhất là thương vụ thoái vốn VNM và SAB. Điều đó cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến các doanh nghiệp niêm yết tốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong những tháng cuối năm 2017 đã ghi nhận kỷ lục về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Riêng trong tháng 11/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10.400 tỷ đồng. Mặc dù chủ yếu thông qua thỏa thuận trực tiếp, nhưng nếu nhìn vào con số mua ròng từ đầu năm gần 24.000 tỷ đồng thì càng xác nhận sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, giá dầu brent tiếp tục xu hướng tăng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cải thiện làm động lực cho sự tăng trưởng của nhóm dầu khí. Các cổ phiếu nhóm ngành khác cũng tăng trưởng mạnh như: ngân hàng, chứng khoán,… góp phần cho sự tăng trưởng ngoạn mục chung của thị trường.

Thực tế, những thông tin về thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước đã có lộ trình và minh bạch từ trước, nhưng dường như sự kỳ vọng của các nhà đầu tư đang khá cao?

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp tốt, quy mô lớn là điều không thể phủ nhận. Các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn và IPO sẽ thúc đẩy tăng trưởng vốn hóa thị trường và đưa chứng khoán Việt Nam tiến gần đến thời điểm nâng hạng. Chính điều này tạo sự kỳ vọng cao của các nhà đầu tư trong nước về sự định giá lại thị trường, định giá lại giá trị doanh nghiệp và qua đó mặt bằng P/E được nâng lên. Năm 2018 và 2019 tiếp tục là năm trọng điểm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các công ty như: ACV, PLX, VGT, DVN, VGC, DBD,… và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, gồm PVOil, PV Power, Hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp và Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Công nghiệp và Xi măng Việt Nam, Mobifone, EVN Genco 3… Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mặc dù chỉ số VN-Index tăng mạnh, nhưng dường như đang bị chi phối bởi các mã cổ phiếu bluechip, như VRE, VNM hay SAB. Ông đánh giá về điều này như thế nào?

Cùng nhìn lại bức tranh thị trường cả năm để thấy rằng, thị trường năm 2017 trải qua hai giai đoạn. Tám tháng đầu năm 2017, thị trường tăng đều, ổn định từ 665 điểm lên 800 điểm với mức độ lan tỏa toàn thị trường. Quá trình đi lên, điều chỉnh rồi tiếp tục tăng diễn ra với sự tham gia của hầu hết các nhóm cổ phiếu từ vốn hóa lớn cho tới nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và thấp. Giai đoạn sau đó, VN-Index tăng điểm mạnh nhưng chủ yếu đến từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Việc này ít nhiều tác động vào chỉ số chung, phần nào cũng đã làm sai lệch diễn biến thực của chỉ số và định giá chung của thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn thì chính các hành động mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài vào các nhóm này tạo ra hiện tượng này. VRE được khối ngoại mua ròng hơn 5 ngàn tỷ đồng, VNM 9 ngàn tỷ đồng và SAB 110 ngàn tỷ đồng. Tôi xem đây là sự lạc quan và tin tưởng của khối ngoại, của các tổ chức lớn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để xem thị trường tăng trưởng có bền vững hay không thì cùng nhìn vào yếu tố nền tảng của thị trường là sự tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có diễn ra hay không. Tăng trưởng GDP cả năm 6,81%, dẫn đầu trong các nước ASEAN; lạm phát thấp (từ đầu năm đến cuối tháng 11 tăng 2,38%, dự kiến năm 2017 là 3%); lãi suất tiếp tục giảm và duy trì mặt bằng thấp; FDI đăng ký 28 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2016. Đồng thời, sự dịch chuyển của dòng vốn toàn cầu hướng tới những thị trường mới nổi, trong bối cảnh đó Fitch nâng hạng tín nhiệm Việt Nam lên mức tích cực đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường sáng giá. Khối ngoại mua ròng kỷ lục từ đầu năm 2017 đến nay khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng. Bên cạnh đó, sự hoàn thiện khung pháp lý, sự ra đời của các sản phẩm phái sinh,... tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của thị trường.

Nhìn vào PE của các cổ phiếu chủ chốt trên thị trường, một số cổ phiếu trở nên khá đắt đỏ so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực. Xét về cả về số lượng và chất lượng các công ty niêm yết tại Việt Nam, dù đã có cải thiện rất đáng kể thời gian qua, vẫn còn cách xa mức trung bình của khu vực. Liệu cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đắt hay rẻ?, có ẩn chứa rủi ro gì không?

P/E hiện nay đã ở mức 17-18 lần, một mức cao kể từ 2012 đến nay. Với mức P/E này, khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực và với P/E thị trường cận biên thì P/E không còn rẻ nữa. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn một chút thì chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay P/E của rất nhiều mã vốn hóa lớn đang ở mức rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến định giá chung. Ví dụ như ROS, VIC, SAB và VRE, PE tương ứng đang ở mức 195, 105, 38 và 40. Nếu loại bỏ ảnh hưởng từ bốn cổ phiếu này thì mức PE tại HSX sẽ rơi về khoảng 15 lần, thấp hơn mức trung bình của khu vực (khoảng 17 lần). Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với các nước khác, cho nên theo tôi thị trường vẫn còn hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Tại thời điểm ngày 20/11/2017, 678 doanh nghiệp niêm yết trên tổng số 721 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng lợi nhuận đạt 114.636,68 tỷ đồng, tăng 22,23% so với cùng kỳ, một mức tăng trưởng hấp dẫn, kéo theo sự hấp dẫn của thị trường. Phải nhắc lại rằng, thị trường tăng nhưng đồng thời tính phân hóa thị trường cũng tăng theo, do đó, đòi hỏi nhà đầu tư cần chắt lọc cơ hội kỹ lưỡng hơn chứ không phải cứ mua là thắng.

Có thể nói các cổ phiếu bluechip đã hỗ trợ phần nào cho sự tăng giá của các midcap và smallcap, ông có cho rằng thị trường đang quá lạc quan và các nhà đầu tư đang đầu tư thiếu lý trí khiến thị trường không thể hiệu chỉnh bằng việc kinh doanh chênh lệch giá?

Trong xu hướng tăng của thị trường, dòng tiền sẽ có sự lan tỏa và luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu. Do vậy, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap không thể nằm ngoài xu hướng tăng này. Đầu năm thị trường tăng bởi các nhóm ngành vật liệu xây dựng và bất động sản. Sau đó lan tỏa đến ngành tài chính - ngân hàng, chứng khoán, nhóm cổ phiếu thoái vốn, mới lên sàn và gần đây nhất là nhóm dầu khí khi có nhiều thông tin tích cực. Điều tích cực của thị trường năm nay là dòng tiền không chỉ tập trung vào một số nhóm ngành nhất định mà còn có sự lan tỏa và luân chuyển giữa các nhóm ngành, kể cả bluechip hay midcap và smallcap.

Theo ông, thị trường hiện nay liệu có đi vào vết xe đổ của năm 2007?

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp tốt, quy mô lớn là điều không thể phủ nhận

Năm 2007 thị trường đạt đỉnh 1.179,32 điểm. Một trong những lý do là Việt Nam nằm trong số các nước có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất của khu vực. Tuy nhiên, xét về chất lượng tăng trưởng thì thiếu bền vững. Cũng trong giai đoạn đó, nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào quá mạnh đã khiến một lượng rất lớn tiền đồng được tung ra để hấp thụ số ngoại tệ này, nhưng lại không được hút về một cách đúng mức. Lạm phát tăng với tốc độ chóng mặt và đạt đỉnh vào tháng 8/2008 với mức 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thắt chặt tiền tệ bằng nhiều công cụ, trong đó 3 lần tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc… Chính điều này đã khiến lãi suất của các ngân hàng tăng mạnh lên mức 16-18%/năm đối với tiền gửi và từ 20-21%/năm đối với các khoản vay. Hệ thống ngân hàng thiếu hụt thanh khoản, cuộc đua lãi suất, đưa lãi suất liên ngân hàng thời điểm đó lên mức kỷ lục. Thị trường chứng khoán bước vào một chu kỳ sụt giảm do bất ổn vĩ mô.

Hoản cảnh hiện nay hoàn toàn khác so với thời kỳ 2007, thị trường tăng trưởng bền vững nhờ tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát và lãi suất thấp, dòng tín dụng được quản lý hiệu quả không chảy vào chứng khoán và bất động sản. Đồng thời, bệ đỡ tiếp theo là lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng, mục tiêu nâng hạng thị trường mới nổi cuối năm 2019, dòng tiền khối ngoại liên tục đổ vào thị trường chứng khoán, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, nhiều sản phẩm mới và sự thông minh của nhà đầu tư.

Kỳ vọng của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018 ra sao?

Tôi nghĩ câu chuyện của năm 2018 đối với thị trường chứng khoán là tốt và lạc quan. Thị trường sẽ tiếp tục giữ được đà tăng và ở mức độ bền vững. Các động lực tăng trưởng năm 2018 vẫn là GDP giữ nhịp tăng trưởng ở mức cao (6,7%), làn sóng doanh nghiệp nhà nước IPO và lên sàn mạnh mẽ, đà tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tích cực, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, tín dụng tăng trưởng tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Những điều kiện này sẽ tiếp tục là những động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong năm 2018. Ngoài ra, yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và định giá thấp là nền tảng giúp thị trường dễ dàng phản ứng tích cực với các điều kiện thuận lợi trên. Ước tính lợi nhuận của 71 công ty đại diện cho 70% vốn hóa thị trường sẽ tăng trưởng 16% trong năm 2018.

Xin cảm ơn ông! 

Đăng Lãm