PV Oil: Chiến lược 5 năm tới sẽ tập trung theo hướng M&A

Nguyễn Long 12/01/2018 15:07

Sáng nay 12/1, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, MCK: OIL) đã tổ chức buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu OIL trước thời điểm tổ chức IPO vào ngày 25/01 tới đây.

Đại diện Công ty chứng khoán Bản Việt, Phó tổng giám đốc PVN và Tổng giám đốc PV Oil trả lời câu hỏi các nhà đầu tư.

Đại diện Công ty chứng khoán Bản Việt, Phó tổng giám đốc PVN và Tổng giám đốc PV Oil trả lời câu hỏi các nhà đầu tư.

Đợt IPO lần này nằm trong kế hoạch cổ phần hóa của PV Oil, theo đó, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua 462 triệu cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược, phần vốn nhà nước chiếm 35,1% vốn điều lệ, còn 20% vốn điều lệ tương đương 207 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai. Giá IPO dự kiến là 13.400 đồng/cổ phần, cổ phiếu OIL dự kiến chào sàn UPCoM sau 90 ngày kể từ ngày IPO (ngày 25/1) tới đây. PVOIL có kế hoạch chi trả 300-590 đồng cổ tức tiền mặt/CP (lợi suất 2,2-4,4%).

Phát biểu tại Roadshow, ông Nguyễn Sinh Khang - Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết hoạt động kinh doanh của PV Oil có 3 mảng chính gồm phân phối xăng dầu, kinh doanh xăng dầu quốc tế và ủy thác/nhập khẩu dầu thô. Trong đó, tính đến nay PV Oil vẫn là doanh nghiệp duy nhất trên cả nước được xuất bán dầu thô tại thị trường Việt Nam.

Tổng Giám đốc PV Oil ông Cao Hoài Dương phát biểu tại Roadshow.

Tổng Giám đốc PV Oil ông Cao Hoài Dương phát biểu tại Roadshow.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil cho biết thêm, hiện mảng xăng dầu bao gồm phân phối xăng dầu và pha chế, đóng góp lớn nhất cho PVOil với 77,9% doanh thu và 65,7% lợi nhuận trước thuế (LNTT). Mảng kinh doanh lớn thứ hai là dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu dầu thô với mức đóng góp khá khiêm tốn 0,5% doanh thu nhưng mức LNTT đáng kể là 22,7%. Các dịch vụ khác bao gồm mảng giao dịch dầu thô quốc tế dù chiếm đến 21,6% doanh thu nhưng đóng góp lợi nhuận không đáng kể.

Trong năm 2017, doanh thu hợp nhất của PV Oil đạt 55.979 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 410 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm. Theo ông Dương, nếu tính đầy đủ khoản thuế form D đang chờ hoàn lại thì lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 485 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế hợp nhất sẽ đạt 560 tỷ đồng.

Ông Dương cho biết, hiện PV Oil và Petrolimex đã chiếm đến 70% thị phần xăng dầu trên cả nước; bên cạnh những doanh nghiệp khác như Thalexim và Saigon Petrol thì phần còn lại khoảng15% thị phần thuộc về các DN nhỏ lẻ. Do đó, PV Oil còn nhiều cơ hội mở rộng thị phần thông qua hoạt động mở rộng các trạm bán lẻ hoặc M&A với những công ty khác.

Ông Cao Hoài Dương cũng đánh giá tiềm năng của PV Oil trong tương lai là rất lớn khi đề ra mục tiêu 1.000 cây xăng trong 5 năm tới. Trong buổi Roadshow đã có nhà đầu tư đặt câu hỏi cho mục tiêu này liệu có khả thi không, ông Dương đã khẳng định rằng hoàn toàn có thể làm được.

Ông Dương chỉ ra dẫn chứng, hiện PV Oil có 540 cây xăng trên cả nước, và trong năm nay doanh nghiệp đã xây dựng mới được 40 cây xăng, đây đã được xem là kết quả xuất sắc, tuy nhiên, về lâu về dài thì tốc độ như vậy vẫn còn chậm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, PV Oil sẽ đẩy mạnh M&A để phát triển mạng lưới bán lẻ với 120 cửa hàng xăng dầu/năm và sản lượng bình quân 120m3/CHXD/tháng. Đến năm 2022, PVOil phấn đấu có được 1.550 cửa hàng xăng dầu (tức tăng thêm 1.050 cửa hàng, trong đó có khoảng 840 cửa hàng được mua lại hoặc đầu tư mới và 200 cửa hàng còn lại được thuê để kinh doanh), tổng sản lượng bán lẻ sẽ đạt khoảng 2,36 triệu m3 vào 2020 và chiếm khoảng 35% tổng sản lượng kinh doanh vào năm 2022.

Toàn cảnh buổi Roadshows của PV Oil.

Toàn cảnh buổi Roadshows của PV Oil.

Ông Dương cho biết, PV Oil là doanh nghiệp mới được thành lập 10 năm trở lại đây. Do đó, thị phần tại các thành phố lớn chiếm tỷ lệ ít bởi đã có các doanh nghiệp lâu năm như Petrolimex chiếm thị trường, mặc khác theo quy hoạch của các thành phố lớn thì việc mở cây xăng cũng rất khó khăn chưa kể đến chi phí đầu tư lên đến 30-40 tỷ đồng/cây xăng. "Với số tiền đầu tư như vậy, PV Oil có thể đầu tư 3-4 cây xăng ở các tỉnh và khu vực lân cận, doanh thu đem lại cũng bằng so với một cây xăng trong thành phố", ông Dương nhấn mạnh.

Đây cũng chính là chiến lược trong tương lai, PV Oil sẽ áp dụng chiến lược lấy nông thôn vây thành thị. Cụ thể, PV Oil sẽ không đầu tư vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM mà tập trung đầu tư ở các vùng nông thôn, thị trấn, các khu công nghiệp hay các khu dân cư mới.

Kế hoạch 5 năm sau cổ phần hoá, PVOil đề ra mục tiêu "35-35-35" cho giai đoạn 2018-2022 như sau: Tăng tổng thị phần kinh doanh xăng dầu trong nước từ 22% lên 35%; Tăng tỷ trọng kênh bán lẻ qua cửa hàng xăng dầu/tổng sản lượng từ 22% lên 35%; Tăng tỷ trọng kênh bán cho khách hàng công nghiệp từ 18% lên 35%.

Tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu nhanh chóng là nền tảng vững chắc cho phát triển của PV Oil. BMI ước tính tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong vòng 5 năm tới, là cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng 1,3% toàn cầu. Tăng trưởng sẽ được dẫn dắt bởi tỷ lệ ô tô thấp của Việt Nam, thuế ôtô thấp hơn và sản lượng công nghiệp mạnh mẽ đạt 7,5-8%/năm. Nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm xăng dầu buôn lậu cũng sẽ làm tăng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp chân chính.

PVOIL đặt kế hoạch vốn xây dựng cơ bản 154 triệu USD cho các mảng kinh doanh phi xăng dầu bao gồm cửa hàng tiện lợi/chăm sóc ôtô/rửa xe nhằm tạo ra lợi nhuận khoản 7 triệu USD trong giai đoạn 2019-2020. 

PVOIL có khoản tiền mặt tại quỹ 235 triệu USD với tỷ lệ đòn bẩy ròng âm 0,25 tính đến tháng 6/2017. Con số này sẽ đủ để tài trợ vốn xây dựng cơ bản và ngân sách M&A 318 triệu USD mà không cần tăng vốn.

Nguyễn Long