Cổ phiếu mía đường bán chạy nhờ định giá sát thực tế?

Phương Hà 14/02/2018 10:35

Với mức giá đấu thành công bình quân là 10.420 đồng/cp, Bộ NN & PTNT đã thu về gần 667 tỷ đồng sau khi bán gần 64 triệu cổ phần của Vianasugar II. Vì sao cổ phiếu mía đường bán chạy?

Cổ phiếu mía đường bán chạy nhờ khâu định giá?

Cổ phiếu mía đường bán chạy nhờ khâu định giá?

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) tổ chức đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Mía đường II – Cty CP (Vinasugar II) do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nắm giữ.

Số lượng cổ phần được đem ra đấu giá là hơn 63,69 triệu cp, chiếm 93% vốn điều lệ của Vinasugar II và với mức giá khởi điểm 10.420 đồng/cp.

Kết quả đấu giá đặt cao nhất là 10.500 đồng, giá đặt thấp nhất tương đương giá đấu thành công bình quân là 10.420 đồng. Trong đó, tổng số nhà đầu tư tham gia là 7 gồm hai tổ chức và 5 cá nhân. Khối lượng đặt mua cao nhất đạt 13.7 triệu cp.

Vinasugar II tiền thân là Công ty Đường Việt Nam. Đến tháng 6/2013, tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với tên gọi là Tổng công ty Mía đường II-CTCP có vốn điều lệ 685 tỷ đồng.

Ngành nghề hoạt động chính của Vinasugar II là sản xuất đường, tinh bột, bao bì; dịch vụ kỹ thuật mía đường; dịch vụ tư vấn, đầu tư tài chính; kinh doanh thương nghiệp; kinh doanh nhà,… với các đơn vị thành viên như mía đường La Ngà, đường Bình Dương, liên kết với Vinasugar I, mía đường Hiệp Hòa,…

Năm 2017, công ty dự kiến doanh thu 461,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,5 tỷ đồng; đều giảm so với năm 2016; tỷ lệ chia cổ tức là 2,17%.

Chuyên gia thẩm định giá Nguyễn Hải- Công ty TNHH Thẩm định Giá VN cho rằng giá chào bán của Vinasugar II tương đương giá IPO năm 2013

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Vinasugar II nằm trong danh sách thoái toàn bộ vốn nhà nước trong giai đoạn 2018 - 2020. Với tỷ lệ chào bán lên đến 92,98% vốn điều lệ, nhà đầu tư trong nước sẽ có cơ hội sở hữu chi phối tại doanh nghiệp mía đường này, trong khi đó, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn ở mức 49%.

Tại mức giá 10.420 đồng/cổ phần, giá khởi điểm của Vinasugar II cao hơn 3,47% so với mức giá do Công ty cổ phần Giám định và Thẩm định Eximvas xác định theo phương pháp giá trị tài sản trong phương án tư vấn thoái vốn tháng 9/2017 (10.070 đồng/cổ phần), tương đương giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2017 (10.412 đồng/cổ phần). Với mức giá này theo các chuyên gia thẩm định giá rất sát với thực tế và tình hình hoạt động của Vinasugar II. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng cổ phiếu của công ty bán hết veo trong đợt đấu giá tại sàn giao dịch…

Từ thực tế của Vinasugar II nhìn ra mấy đợt IPO gần đây cho thấy nhiều cổ phiếu của DN do định giá không sát với thực tế dẫn tới bị ế nặng cổ phần nhất là trường hợp EVNGENCO3, Tcty cao su VN.

Theo ông Nguyễn Phong Danh - chuyên gia phân tích chứng khoán tại Cty Chứng khoán KIS VN cho rằng định giá của EVN quá cao và chỉ những nhà đầu tư chiến lược lâu dài mới mua nổi.

Mặc dù thị trường điện Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, các nhà phân tích nhận định rằng định giá quá cao đã làm nản lòng nhà đầu tư. Trước đó, Chính phủ kỳ vọng thu về ít nhất 290 triệu USD từ đợt bán cổ phần của EVN GENCO 3.

Bà Vũ Thu Hà - chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán TP HCM, cho biết EVNGENCO 3 được định giá ở mức PE là 19 lần so với mức trung bình 15 lần đối với các công ty cùng ngành trong khu vực.

"Cổ phiếu EVNGENCO 3 cũng đắt hơn PV Power, với PE 13 lần và triển vọng của Genco 3 không được hứa hẹn như PV Power". Bà Hà cho biết rằng các yếu tố khác ảnh hưởng đến đợt chào bán cổ phần của có thể là vì nhà đầu tư đã tham gia vào các đợt IPO khác trong năm nay.

Được biết, ngày 9/2, tại HOSE đã diễn ra IPO EVNGENCO 3 với kết quả chào bán được 7,5 triệu cổ phần, với mức giá đấu thành công bình quân là 24.802 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần trúng giá là 184,8 tỷ đồng.

Từ những trường hợp định giá các DN trên cho thấy, rõ ràng khâu định giá chiếm yếu tố quyết định trong việc chào bán cổ phần phiếu lần đầu ra công chúng. Không chỉ trông chờ vào yếu tố thị trường thuận lợi mà điều quan trọng nhất, đó là “cần định giá đúng giá trị” của bản thân doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố quyết định khi cổ phiếu IPO ra thị trường và trường hợp Vinasugar II là một ví dụ điển hình…

Phương Hà