Nhà đầu tư ngoại chịu lỗ rút khỏi Vinasun
Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd (Singapore) đã bán hết 5,4 triệu cổ phiếu (7,96%) của CTCP Ánh Dương Việt Nam- Vinasun (MCK:VNS). Đợt cắt lỗ này gây thiệt hại cho GIC khoảng 120 tỷ đồng.
Trước đó, GIC đã chi ra 200 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Vinasun. Với giá thỏa thuận ở mức 14.700 đồng/cổ phiếu thì giá trị của giao dịch trên đạt khoảng 80 tỷ đồng. Như vậy sau 3,5 năm làm cổ đông của Vinasun, GIC đành chấp nhận cắt lỗ hơn 120 tỷ đồng ở khoản đầu tư vào công ty này.
Trong quý I/2018, doanh thu thuần của Vinasun đã giảm sâu so với cùng kỳ tới 55%, chỉ đạt 489,2 tỷ đồng. Mảng kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi giảm sút mạnh, chỉ bằng 1/5 cùng kỳ, còn 202 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 800 tỷ đồng.Tính đến hết quý I/2018, tổng nợ phải trả của Vinasun là 1.098 tỷ đồng, giảm 76 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó vay ngắn hạn giảm 8 tỷ đồng, xuống còn 389 tỷ đồng và vay dài hạn xấp xỉ bằng đầu kỳ, còn 389 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, Vinasun báo lãi sau thuế 11,6 tỷ đồng, chỉ bằng 21% lợi nhuận đạt được trong quý 1/2017. Nếu so với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó (95,2 tỷ đồng) thì Vinasun mới thực hiện được hơn 12% kế hoạch.
Bù đắp cho phần doanh thu vận tải taxi giảm sút, Vinasun phát triển thêm mảng nhượng quyền thương mại và khai thác taxi với doanh thu phát sinh hơn 211 tỷ đồng.
Hiện tổng lượng xe công ty sở hữu đến cuối năm 2017 là 5.835 chiếc, trong đó có 3.651 xe 7 chỗ và 2.184 xe 4 chỗ. Dự kiến trong năm 2018, công ty chỉ đầu tư thêm khoảng 700 chiếc các loại, đưa ra thanh lý bớt khoảng 662 chiếc, và duy trì lượng xe ở hữu đến cuối năm 2018 khoảng 5.873 chiếc. Trong đó riêng công ty mẹ sở hữu 5.503 chiếc.
Với tình hình kinh doanh sụt giảm mạnh, trong 1 năm qua cổ phiếu VNS đã giảm sâu từ mức 24.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 13.800 đồng/cổ phiếu (ngày 1/6). Tại mức giá hiện tại xoay quanh 14.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường của Vinasun chỉ còn hơn 900 tỷ đồng.