Đâu là tương lai của AGF khi lỗ lũy kế gần 258 tỷ đồng?
Kết quả kinh doanh bán niên 2018 (30/9/2017-31/3/2018) của AGF ghi nhận khoản lỗ lên đến 166 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên mức gần 258 tỷ đồng.
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish, AGF) vừa công bố kết quả kinh doanh bán niên 2018 (30/9/2017-31/3/2018) với khoản lỗ lên đến 166 tỷ đồng, trong đó riêng quý 2 lỗ hơn 70 tỷ.
Theo ghi nhận trong báo cáo, doanh thu trong kỳ của Agifish giảm từ 1.164 tỷ về 808 tỷ đồng, trong khi giá vốn giảm với tỷ lệ nhỏ hơn khiến doanh nghiệp lỗ gộp 81 tỷ, cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lãi hơn 100 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm mạnh, chi phí tài chính cũng các chi phí bán hàng và quản lý có điều chỉnh, song Agifish vẫn chịu lỗ thuần hơn 156 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
EC tiếp tục khuyến nghị cho Việt Nam để gỡ "thẻ vàng" thủy sản
10:53, 05/07/2018
Thủy sản và nguy cơ “thẻ đỏ”
14:55, 04/07/2018
EC sẽ xem xét lại vấn đề “thẻ vàng” của thủy sản Việt Nam
15:47, 26/06/2018
Triển vọng lạc quan của thuỷ sản Việt Nam tại ASEAN
16:39, 19/06/2018
Mặc dù đã giảm được chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp từ mức 72 tỷ đồng xuống còn 54,4 tỷ đồng nhưng với kết quả lãi gộp âm cộng với sự sụt giảm của hoạt động tài chính, 6 tháng đầu niên độ 2017-2018, AGF ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh tới 156 tỷ đồng. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn phải ghi nhận khoản lỗ khác hơn 10 tỷ đồng. Kết quả là trong kỳ này, AGF lỗ ròng tới hơn 166 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên mức gần 258 tỷ đồng.
Được biết, báo cáo lần này doanh nghiệp ghi nhận trên giả định hoạt động liên tục, khi kiểm toán bắt đầu nhấn mạnh về tồn tại yếu tố không chắc chắn dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Nói về Agifish, điều đáng bận tâm có lẽ đến từ các khoản phải thu của doanh nghiệp, khi năm 2017, ngoài khoản điều chỉnh doanh thu thuần giảm 178 tỷ đồng so với báo cáo tự lập khiến lãi gộp giảm mạnh thì chi phí quản lý sau kiểm toán cũng tăng thêm 82 tỷ đồng, nguyên nhân từ khoản dự phòng cho các khoản phải thu mà báo cáo tự lập trước đó của Agrifish không trích lập.
Tính đến ngày 31/3/2018, khoản phải thu của AGF có ghi nhận giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức khá cao, riêng phải thu ngắn hạn chiếm hơn 88% tài sản ngắn hạn với 983 tỷ đồng (Agifish hiện trích lập 160 tỷ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi), ngược lại phải thu dài hạn tăng mạnh lên 1,8 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu AGF giảm sâu, dao động quanh tại vùng giá 3.000-4.000 đồng/cp. Thậm chí, ngày 28/2 vừa qua HOSE đã ra quyết định đưa cổ phiếu AGF vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ 7/3/2018.
Theo đó, cổ phiếu AGF chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nguyên nhân do AGF tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Đáng chú ý, công ty mẹ của AGF, CTCP Hùng Vương (mã HVG) sẽ tiếp tục tái cơ cấu tài sản qua việc bán bớt tài sản là diện tích ao nuôi cá, bán bớt vốn đầu tư tại Agifish.
Hiện nay, không chỉ AGF gặp khó khăn mà đây là thực trạng chung của các doanh nghiệp ngành thủy sản. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 12,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong 6 tháng cuối năm sẽ gặp không ít khó khăn.
Bộ Công Thương dự báo, trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trưởng chậm lại do giá các mặt hàng thủy sản xuất khẩu những tháng gần đây giảm so với đầu năm. Nghịch lý giá cổ phiếu đi xuống, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trái ngược với tình hình tăng trưởng xuất khẩu chung của ngành thủy sản là do giới đầu tư lo ngại về triển vọng của doanh nghiệp trong ngành.
Đại diện một CTCK tại TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản tiềm ẩn rủi ro lớn do ảnh hưởng của những biến động bất lợi trong ngành và cơ cấu vốn không hợp lý, với phần đi vay quá lớn.
Trường hợp Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh là một ví dụ, từ vị thế ông “vua cá tra” giờ đang gánh khoản nợ lên tới gần 11,4 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới gần 10,7 ngàn tỷ, cao hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu chưa tới 2,5 ngàn tỷ đồng. Vay nợ lớn, chi phí lãi vay và quản lý lớn đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) mặc dù đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam nhưng thủy sản nước ta vẫn còn một số thách thức, điển hình như việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng, cần xử lý. Do đó, tháng 1/2019, Đoàn thanh tra của EC sẽ quay lại để xem xét vấn đề "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam. Điều này cũng phần nào tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trong 6 tháng cuối năm 2018.
Ngoài ra, một loạt sản phẩm thủy sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đang gặp khó. Theo VASEP, năm 2018, cá tra Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với 3 rào cản lớn tại hai thị trường truyền thống, trọng điểm là Mỹ và EU như: Vụ kiện chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật và truyền thông bôi xấu cá tra.
Tương tự, ngành tôm gặp không ít khó khăn do giá tôm tại thị trường thế giới giảm, sản lượng của các nước sản xuất tôm đồng loạt tăng. Đó là sự cạnh tranh nguyên liệu tôm từ các nước như: Ecuador, Ấn Độ... cùng rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong quá trình đánh bắt, khai thác...