Lợi nhuận sau thuế của JVC chỉ đạt 2 tỷ đồng, cổ phiếu tăng 25%

Nguyễn Long 05/11/2018 06:00

CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) vừa công bố BCTC quý 2 năm 2018, mặc dù tình hình kinh doanh không mấy khả quan nhưng cổ phiếu JVC lại thuộc top 3 tăng mạnh trong giao dịch tuần qua.

Lợi nhuận sau thuế của JVC chỉ đạt 2 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế của JVC chỉ đạt 2 tỷ đồng

CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) vừa công bố BCTC quý 2 năm 2018 (niên độ 01/04/2018 - 30/03/2019) với lợi nhuận sau thuế là 1,4 tỷ đồng.

Trong quý 2 năm 2018, doanh thu thuần sụt giảm 10% so với cùng kỳ, đạt mức gần 116 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán hàng là chủ yếu. Giá vốn hàng bán cũng sụt giảm 6% so cùng kỳ khi chiếm 87 tỷ đồng. Từ đó, lợi nhuận gộp cũng giảm đến 18% so cùng kỳ dừng ở mức hơn 28 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính tăng cao gấp gần 2 lần so cùng kỳ với giá trị gần 1 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng từ khoản lãi chênh lệch tỷ giá.

Trong quý, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm đến 51% và 42%, tương ứng 0,5 tỷ đồng và 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ xuống 8,29 tỷ đồng (8,33 tỷ đồng cùng kỳ trước).

Từ các yếu tố trên kết hợp với trong quý 2/2017 Công ty mẹ điều chỉnh hồi tố khoản chi phí 10,3 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu và phạt chậm nộp sau thanh tra thuế từ năm 2014 đến năm 2017 theo như giải trình trong BCTC quý 2/2018, do đó lợi nhuận sau thuế quý 2/2018 của JVC ghi nhận tại mức 1,5 tỷ đồng so với lỗ 7,9 tỷ cùng kỳ.

Lũy kế sau 6 tháng thực hiện kinh doanh năm 2018, JVC có doanh thu thuần ở mức 224 tỷ đồng, sụt giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trên đà tăng trưởng đạt hơn 2 tỷ đồng so với lỗ lũy kế cùng kỳ là gần 6 tỷ đồng.

Theo như kế hoạch đề ra trong Báo cáo thường niên lợi nhuận trước thuế trung bình tăng trưởng 20%/năm tương đương 12 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kế hoạch như vậy, JVC sau nửa chặng đường chỉ mới đạt được 17% lợi nhuận trước thuế.

Về chiến lược của JVC thời gian tới, bà Vũ Thị Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, JVC nhận được sự hợp tác nhiều mặt từ các nhà cung cấp lớn như Hitachi, Fujifilm, Konica… nên hoạt động sẽ đa dạng.

Ngoài các nhà cung cấp hiện tại, nhiều nhà cung cấp mới cũng tin tưởng chọn lựa JVC để phân phối các dòng sản phẩm mới như máy siêu âm của Fujifilm, sản phẩm kiểm soát nhiễm khuẩn của Sakura, giải pháp cộng hưởng từ trong phòng mổ của Hitachi… Hiện JVC là nhà phân phối độc quyền của Hitachi và đang tiến tới trở thành nhà phân phối độc quyền của Sakura.

"Tuy đang lỗ trong 2 quý đầu năm, nhưng lợi nhuận của JVC sẽ được ghi nhận chủ yếu trong 2 quý cuối năm. Chúng tôi tự tin về việc hoàn thành kế hoạch 2018 đề ra", bà Hằng nói.

Đi ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm, trong tuần giao dịch vừa qua, (29/10 đến 2/11) cổ phiếu JVC có mức tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng hơn 25% giá trị, từ mức chỉ 2.620 đồng/cổ phiếu hôm 26/10 lên mức 3.280 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 2/11. Là cổ phiếu có mức tăng đứng thứ 3 trên TTCK tuần qua.

Tuy có mức tăng ấn tượng, nhưng nếu nhìn về dài hạn, sẽ thấy chỉ trong 1 năm qua, cổ phiếu JVC đã có lúc ở vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu, như vậy cổ phiếu này đã bốc hơi gần 1 nửa giá trị trong chưa đầy 1 năm.

Còn xét về thời hoàng kim vào giai đoạn 2015, lúc đó cổ phiếu JVC từng giao dịch ở vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu, vậy so với hiện nay, nhà đầu tư lúc đó giờ đã mất tới 85% giá trị khoản đầu tư, một con số khổng lồ.

Một trong những nhà đầu tư chịu thiệt lớn hiện nay của JVC là Quỹ đầu tư DI Asian Industrial Fund LP (DIAIF). DIAIF chính thức trở thành cổ đông chiến lược của JVC từ năm 2012. Hiện quỹ này đang sở hữu 19,35% vốn tại JVC. Đáng chú ý, tại đợt ĐHCĐ gần đây, cổ đông đã thông qua bầu ông Hosono Kyohei làm Chủ tịch HĐQT Công ty. Ông Hosono Kyohei là đại diện của DIAIF, giữ vị trí Giám đốc điều hành tại DI Tokyo.

Tuy chịu thiệt hại lớn, nhưng DIAIF vẫn quyết định ở lại hỗ trợ JVC trong quá trình hồi phục và việc bầu ông Hosono Kyohei làm Chủ tịch HĐQT được coi là cam kết đồng hành cùng sự phát triển của JVC thời gian tới.

Hiện tại, hầu hết đối tác của JVC đều đến từ Nhật Bản, nên vai trò của DIAIF là rất quan trọng, giúp JVC liên kết với các đối tác. Do đó, việc đại diện quỹ trở thành lãnh đạo cao nhất của JVC được nhìn nhận sẽ mang lại nhiều chuyển biến cho Công ty.

“Nhìn vào tiềm năng phát triển, tôi chắc chắn rằng, cổ phiếu JVC đang bị định giá thấp. Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư không đặt niềm tin vào JVC là khoản lỗ lũy kế lớn của Công ty.

Bởi vậy, việc đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm xóa các khoản lỗ thông qua tiến trình tái cấu trúc là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin nơi cổ đông”, ông Hosono Kyohei nhấn mạnh.

Tân Chủ tịch JVC cho biết, mức giá mà Công ty hướng tới có thể ngang với giá đã phát hành vào năm 2015. Khi đó, DIAIF đã mua cổ phiếu JVC ở mức trên 15.000 đồng/CP, nên việc đặt ra mục tiêu đưa giá cổ phiếu về cao hơn mức này là dễ hiểu.

Nguyễn Long