Novartis Social Business và chiến lược vì sức khoẻ cộng đồng

Nam Phương thực hiện 20/09/2018 07:00

“Sức khỏe cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Novartis Social Business mong muốn mở rộng mối quan hệ hợp tác với Bộ Y tế vì lợi ích của người dân Việt Nam”

Đó là chia sẻ của bà Deborah Gildea – Giám đốc Khối kinh doanh xã hội (Novartis Social Business) khu vực Châu Á, Thái Bình Dương nhân dịp tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới ASEAN vừa diễn ra tại Hà Nội.

abc

Bà Deborah Gildea – Giám đốc Khối kinh doanh xã hội (Novartis Social Business) khu vực Châu Á, Thái Bình Dương

Bà Deborah Gildea cho biết, sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế đã góp phần thay đổi Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng và lối sống ít vận động hơn đồng nghĩa là người dân Việt Nam đang mắc phải nhiều hơn các bệnh mãn tính như bệnh hen suyễn và bệnh tim.

Chương trình Cùng Sống Khỏe hình thành vào năm 2012, là chương trình hợp tác công - tư giữa Novartis Social Business và Sở Y tế tại các tỉnh thành và các bác sĩ tại các tuyến y tế cơ sở nhằm tăng cường truyền thông tuyên truyền sức khỏe và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân.

- Bà có đánh giá như thế nào về tình hình nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cũng như việc duy trì kiểm soát chi phí chăm sóc sức khoẻ của 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam?

Tôi cho rằng thách thức lớn nhất đối với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đó là việc phải đối mặt với “gánh nặng kép” gồm các bệnh truyền nhiễm và các bệnh phi truyền nhiễm.

Một báo cáo của Solidance cho thấy một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra liên quan đến chi tiêu y tế ở Đông Nam Á. Báo cáo cho thấy tổng chi tiêu chăm sóc sức khỏe ước tính năm 2017 của 6 quốc gia tại ASEAN là 420 tỷ đô la Mỹ và sẽ tăng 70% trong hai thập kỷ tới. Sự gia tăng này là do sự gia tăng dân số của các quốc gia này, tỷ lệ hút thuốc cao ở một số quốc gia và áp dụng lối sống ít vận động với chế độ ăn uống không lành mạnh, dẫn đến tăng tỷ lệ béo phì và ít tập thể dục.

Trong số 6 quốc gia tại ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), bốn quốc gia gồm - Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam - hiện đang có mức chi tiêu chính phủ tương đối thấp về sức khỏe từ 1,1% đến 3,8% GDP.

Các bệnh không lây nhiễm (NCDs) cũng là một vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam.  Các bệnh mạn tính hoặc các bệnh không lây nhiễm (NCDs) hiện là nguyên nhân gây tử vong cao gấp 4 lần so với các bệnh truyền nhiễm. Và, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện thí điểm các kế hoạch để ngăn chặn xu hướng này, đồng thời đang làm việc với các đối tác khu vực tư nhân như Novartis để ngăn ngừa chúng.

Một thách thức nữa có thể thấy ở Việt Nam là thực trạng người bệnh thường bỏ qua cấp cơ sở để lên tuyến trên khám chữa bệnh. Điều này khiến cho các bệnh viện tuyến trên thường bị quá tải. Nắm bắt thực trạng này thì Novartis Social Business đã và đang thực hiện nhiều chương trình đào tạo hướng dẫn chuyên môn từ cấp cơ sở và khuyến khích người bệnh khám chữa bệnh ở đây.

Tôi cho rằng việc phòng ngừa và nâng cao nhận thức cho người bệnh là hết sức quan trọng. Khi sức khoẻ người dân được nâng cao họ sẽ có những cống hiến tốt hơn, lâu dài hơn cho xã hội.

abc

Từ năm 2012, Novartis Social Business phối hợp với Bộ Y tế ra mắt chương trình Cùng Sống Khỏe (Healthy Family) giúp đào tạo và nâng cao nhận thức về sức khỏe và cung cấp các loại thuốc chất lượng cao với giá hợp lý  

- Bà có thể cho biết về chương trình của Novartis Social Business đang thực hiện tại một số nước Châu Á và tại Việt Nam?

Trong hoạt động này cách tiếp cận của chúng tôi là theo quốc gia, tức là căn cứ vào tình hình cụ thể của từng nơi để tìm hiểu về nhu cầu kinh tế cũng như về cơ sở hạ tầng.

Tại Châu Á, các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà Novartis Social Business sẽ tập trung vào các nhu cầu y tế công cộng của quốc gia và cơ sở hạ tầng y tế. Ví dụ, ở Ấn Độ, chúng tôi đã triển khai chương trình Healthy Family (ArogyaParivar) trong 10 năm, bao gồm việc cung cấp kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe , ví dụ như tầm quan trọng của việc rửa tay, cách điều trị sốt và phòng ngừa các bệnh như tiểu đường và tăng huyết áp cho cộng đồng nông thôn, đào tạo chuyên gia y tế và sản xuất (số lượng nhỏ) thuốc với giá hợp lý cho cộng đồng nông thôn.

Tại Việt Nam trong năm 2012, chúng tôi phối hợp cùng với Bộ Y tế ra mắt chương trình Cùng Sống Khỏe (Healthy Family) giúp đào tạo và nâng cao nhận thức về sức khỏe và cung cấp các loại thuốc chất lượng cao với giá hợp lý. Các dự án thí điểm ở nông thôn được thực hiện ở hai tỉnh trước khi chương trình được mở rộng ra 18 tỉnh trên tổng số 57 tỉnh của Việt Nam trong năm 2016. Đến nay, chương trình Cùng Sống Khỏe đã tiếp cận được hơn 930.000 người, cung cấp kiến thức cơ bản về sức khỏe, và khám sàng lọc để phòng ngừa các bệnh như tiểu đường và tăng huyết áp. Chương trình cũng  đào tạo về kỹ năng chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho 638 bác sĩ đến từ trung tâm y tế huyện và cộng đồng vào năm 2017 và 2018, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại các trung tâm y tế địa phương.

Khi tiếp cận các nước đang phát triển Novartis Social Business có gặp những khó khăn trở ngại về văn hoá, ngôn ngữ từ các nước sở tại?. Và vấn đề này đã được khắc phục như thế nào để các chương trình duy trì được tính bền vững, thưa bà?

Sức khoẻ cộng đồng và duy trì tính bền vững của chương trình là hai vấn đề chúng tôi đặt mối quan tâm lớn nhất. Khi chúng tôi quyết định sẽ thực hiện chương trình tại địa điểm nào thì cũng phải có sự chuẩn bị và tìm hiểu kĩ càng và quyết tâm để thực hiện.

Vấn đề ngôn ngữ, văn hoá, tập quán… như bạn nói quả thực đó chính ra rào cản khó khăn đối với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được và đã có giải pháp của mình. Đó là, chúng tôi không làm một mình mà phối hợp từ Bộ y tế, các cơ sở y tế và cộng tác viên y tế của các quốc gia. Chúng tôi phải nỗ lực hoà mình vào cộng đồng, tuyển người bản địa vào làm và hợp tác chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương để thực hiện.

Hiệu quả các chương trình của chúng tôi đã được đo lường bằng những kết quả cụ thể như chương trình Cùng Sống Khoẻ đã và đang thực hiện ở Việt Nam như tôi đã nói trên.

- Xin cảm ơn bà!

Nam Phương thực hiện